Hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế tập thể ở thôn Mỹ Tân
BHG- Dám nghĩ, dám làm bằng việc hợp tác với nhau qua Nhóm cùng sở thích, Tổ hợp tác sản xuất, chăn nuôi; thời gian gần đây, một số hộ nông dân ở thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang (Bắc Quang) đã sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình. Kể từ khi thành lập tháng 11.2014 đến nay, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi thôn Mỹ Tân đã từng bước khẳng định được hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống hội viên và Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Mô hình trồng hoa đào, cây cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Yến thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. |
“Lâu nay sản xuất, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ là rào cản lớn đối với phát triển kinh tế, việc làm ăn đơn lẻ, tách biệt khó có thể phát triển mạnh khi bước vào con đường sản xuất theo hướng hàng hóa. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều hộ nông dân chúng tôi đã liên kết, hỗ trợ với nhau để cùng đi lên...”, đó là chia sẻ của các hội viên tại Tổ hợp tác thôn Mỹ Tân mà chúng tôi có dịp trò chuyện. Ông Trần Văn Giang, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Mỹ Tân cho biết: “Trên cơ sở thực tế và nhu cầu của các hộ trong thôn, tháng 11.2014 có 25 hộ dân trong thôn đã ký hợp đồng hợp tác, thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chăn nuôi thôn Mỹ Tân. Mục tiêu của Tổ đề ra trong hợp đồng đến hết tháng 11.2020 là: Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng tháng, Tổ hợp tác tổ chức sinh hoạt chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau cách thức chăm sóc, trồng trọt, chăn nuôi. Cứ đến cuối tháng, từng tổ viên báo cáo với Tổ trưởng tình hình phát triển kinh tế và đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, Tổ hợp tác hoạt động tốt, giúp hội viên phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, nên bà con rất phấn khởi và mong muốn mở rộng hơn. Nguồn vốn nhiều nông hộ tự túc, những hộ điều kiện còn hạn chế chúng tôi cũng đề xuất lên cấp trên để thế chấp vay vốn ngân hàng”.
Thôn Mỹ Tân nằm ở phía Đông Bắc xã Tân Quang, thôn có diện tích gần 90 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 47,41 ha. Thổ nhưỡng tại thôn Mỹ Tân là đất pha cát, được bồi đắp do phù sa sông Lô vào đồng ruộng, nên khá thích hợp, thuận lợi để trồng các loại rau quả. Toàn thôn hiện có 57 hộ với gần 300 khẩu, chủ yếu là dân tộc Kinh từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình lên khai hoang. Trình độ nhận thức và canh tác của nhân dân tương đối đồng đều. Đặc biệt, vài năm gần đây, một bộ phận bà con nhân dân ở Mỹ Tân về thăm quê ở miền xuôi đã đưa nhiều giống cây, con có giá trị kinh tế cao lên nuôi trồng tại địa phương để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện nay, thôn Mỹ Tân có 25 hộ trồng rau với diện tích khoảng 3,5 ha; trong đó có 4 hộ được Nhà nước hỗ trợ đầu từ trồng thí điểm bằng nhà lưới rau an toàn. Trên cơ sở thực hiện Đề án xây dựng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của UBND xã Tân Quang năm 2013, huyện Bắc Quang hỗ trợ 50% kinh phí cho việc xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước bằng vòi phun tự động, kinh phí còn lại do nhân dân tự bỏ ra. Thôn đã tổ chức triển khai làm 4 nhà lưới với diện tích khoảng 3.000 m2. Các hộ trồng rau theo mùa, mùa nào thức đó, chủ yếu là rau: Súp lơ, bắp cải, su hào... Đến nay, việc hoạt động của Tổ cũng đã, đang phát huy hiệu quả, sản phẩm rau củ quả của các hộ trồng được người đứng đầu Tổ hợp tác trực tiếp thu mua vào các buổi chiều hàng ngày, phân phối tại các sạp hàng chợ Tân Quang, chợ Bắc Quang. Bên cạnh đó, thôn còn có 4 ha trồng hoa và cây cảnh các loại với 25 hộ tham gia trồng. Chủ yếu là các loại cây Đào, Tùng Kim, Hoa Trà... Nguồn giống các hộ chủ động tìm mua tại Thái Bình, Nam Định đem lên trồng, chăm sóc và tạo thế cho cây sau đó bán ra thị trường. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay thôn có 40 hộ chăn nuôi lợn, 30 hộ chăn nuôi trâu bò theo hướng hàng hóa, các hộ tận dụng diện tích soi bãi, vườn đồi để trồng cỏ, sắn và ngô để chăn nuôi gia súc. Thu nhập của các hộ dân tùy theo diện tích sản xuất, chăn nuôi, một vụ trồng rau nông hộ thu về 15 – 20 triệu, lãi hơn nhiều lần so với trồng lúa, mà sản phẩm rau sạch bán ra thị trường đến đâu hết đến đó. Còn các hộ chăn nuôi trâu bò hàng hóa, trồng hoa, cây cảnh cũng đem thu nhập về khoảng 100 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, việc sản xuất, chăn nuôi tập trung ở Tổ hợp tác Mỹ Tân không chỉ mang cái lợi về kinh tế trước mắt cho các hộ dân mà còn giúp người dân thay đổi nếp nghĩ từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô hoạt động mô hình kinh tế tập thể rất cần có sự khảo sát chặt chẽ hơn nữa của chính quyền các cấp, các ngành ở địa phương, đặc biệt là giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Hy vọng trong thời gian tới quy mô hoạt động của Tổ hợp tác Mỹ Tân sẽ được duy trì, mở rộng hơn nữa góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc