Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - hướng đi mới trên đất một vụ tại xã Đồng Tâm
BHG- Xã Đồng Tâm cách trung tâm huyện Bắc Quang 30 km về phía Đông; có tổng diện tích đất tự nhiên trên 6.200 ha, trong đó đất nông nghiệp có 442 ha, đất lâm nghiệp 3.480 ha, còn lại là đất khác. Là xã có điểm xuất phát kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, tập quán canh tác lạc hậu cùng nhiều diện tích đất nông nghiệp thiếu nước tưới. Trước thực tế đó, năm 2016 này, cấp ủy, chính quyền xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích đất chỉ cấy lúa được 1 vụ/năm, không chủ động nước tưới sang trồng ngô để đảm bảo chống chịu hạn tốt hơn.
Việc chuyển đổi gần 9 ha đất trồng lúa 1 vụ, không chủ động nước tưới ở thôn Thượng, xã Đồng Tâm sang trồng thử nghiệm giống ngô NK4300 vụ Xuân 2016 đang hứa hẹn nhiều thành công. Trong ảnh: Cán bộ nông nghiệp xã đang kiểm tra ngô trồng ở thôn Thượng. |
Kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2016, xã Đồng Tâm gieo cấy 155,6 ha lúa; 127 ha ngô; 74 ha lạc và 28 ha ra đậu. Trong đó, phần lớn diện tích trồng lúa của xã chỉ trồng được 1 vụ/năm. Nhận thấy tình hình sản xuất nông nghiệp khó khăn từ nhiều năm, xác định nếu duy trì trồng cây 1 vụ thì năng suất sẽ bấp bênh, hiệu quả kém. Nên từ đầu năm 2016, chính quyền xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang tổ chức cho bà con nhân dân trồng gần 9 ha giống ngô lai NK4300 ở thôn Thượng với gần 40 hộ thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả mô hình, xã đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có giá trị kinh tế cao vào sử dụng; chú trọng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; sử dụng các giống mới, đi đôi với việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân nhằm giúp bà con sản xuất theo phương thức mới đạt hiệu quả. Để khắc phục hạn hán trong vụ Xuân 2016, xã đã tiến hành rà soát tất cả các khu vực canh tác không chủ động về nguồn nước tưới, những khu vực trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang gieo trồng các cây trồng cạn như ngô, lạc, rau đậu... ngay từ đầu vụ; huy động nhân dân tu sửa, nạo vét kênh mương, đập chứa nước nhằm chủ động về nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Tính đến hết tháng 2.2016, xã đã thực hiện hiện chuyển đổi tổng diện tích đất trồng lúa 1 vụ/năm sang trồng ngô là trên 100 ha. Đặc biệt từ năm 2013, xã đã thực hiện sản xuất cánh đồng theo tiêu chí “5 cùng”, dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng ở hai thôn Chang và thôn Thượng, nên năng suất lúa cao hơn.
Thôn Thượng là thôn còn nhiều khó khăn của xã Đồng Tâm. Thôn có 84 hộ với 397 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Nùng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 30%, kinh tế chính là nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt còn manh mún, nhỏ lẻ. Qua quá trình khảo sát, nhận thấy diện tích đất nông nghiệp của thôn tập trung, bà con đồng tình nên xã đã quyết định chọn thôn Thượng làm thôn đầu tiên thử nghiệm chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng giống ngô lai vụ Xuân 2016. Thôn đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống ngô với 132 kg giống NK4300 và 50% (3,7 tấn) phân bón. Được biết đây là giống ngô chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và sinh trưởng, phát triển tốt, nên bà con rất yên tâm. Anh Thèn Văn Sinh, một hộ được hỗ trợ 5 kg giống ngô trồng thử nghiệm trên diện tích khoảng 3.500 m2 cho biết: “Hàng năm, đất trồng lúa chỉ cấy được 1 vụ, còn lại gia đình tôi hay trồng xen lẫn nhiều loại rau màu, hay bỏ hoang. Nhưng năm nay, được chính quyền xã và cấp trên quan tâm, cho giống ngô mới trồng, lại tập huấn kỹ thuật trồng nên tôi rất phấn khởi. Nhà tôi trồng từ trước Tết âm lịch, hiện tại cây ngô lên đều, xanh tốt và khỏe mạnh”.
Anh Bàn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: “Năm 2016, là năm đầu tiên xã phối hợp với cấp trên chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô. Qua sự tiến hành khảo sát, thử nghiệm và hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc cẩn thận của cán bộ nông nghiệp huyện, tỉnh, mô hình được sản xuất với quy trình tập trung sẽ hứa hẹn nhiều thành công, từ đó sẽ nhân rộng ra nhiều thôn trong xã”.
Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở Đồng Tâm là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện hạn hán hiện nay, nhằm hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thu hoạch của vụ Xuân, đảm bảo được tổng sản lượng lương thực của xã cũng như huyện theo kế hoạch đề ra.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc