Sự "khác biệt" ở làng Mông Vĩnh Sơn
BHG - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Hoàng Hải Chư cho biết: Thôn Vĩnh Sơn có 113 hộ đồng bào Mông sinh sống. Hiện nay, thôn chỉ còn 6 hộ nghèo. Tư duy làm ăn của đồng bào Mông ở đây “khác biệt” hẳn cách làm của nhân dân trong xã và trong cả vùng này.
Sự khác biệt đập ngay vào mắt tôi khi bước chân vào thôn Vĩnh Sơn, đó là màu xanh của cây ăn quả “trái mùa” và ngô Đông sắp cho thu hoạch. Cây ăn quả tôi gọi là “trái mùa” ấy chính là: Nhãn lồng, soài Thái Lan, soài Úc và ngô Đông sắp thu hoạch. Các gia đình trong thôn cho biết: Trước kia họ đã trồng, thu hoach cây cam Sành đặc sản của Bắc Quang, nhưng cũng đã “bỏ” cây cam từ lâu. Lý do người Mông Vĩnh Sơn bỏ cây cam Sành truyền thống để “chuyển” trồng các loại cây ăn quả khác rất đơn giản vì “quá nhiều” nhà đổ sô trồng cam thì bán cho ai.
Đường vào làng Mông Vĩnh Sơn xanh cây ăn quả. |
Gặp lại ông Vàng Văn Pao, người cách đây 13 năm trước đã đi đầu trong nhiều mô hình, nhiều cách làm kinh tế ở Vĩnh Sơn, ông cho biết: Sau 14 năm kể từ ngày ông gặp tôi, người Mông Vĩnh Sơn đã 3 tới 4 lần chuyển đổi cách làm ăn. Ông Pao kể: Sau thu tiền từ cây cam những năm 1998 đến hết 2002, đồng bào đã bỏ cam, trồng vải Thiều. Tiếp đó, vài năm trồng, thu tiền cây vải Thiều xong lại bỏ để trồng soài Úc. Những lúc bỏ cây này để trồng cây khác đấy là lúc người dân đổ sô làm. Ông Pao nói như hỏi tôi “Cả làng đua nhau trồng cam, thì ai là người mua cam”. Cho nên, khi người dân khắp nơi đổ sô trồng cam, thì người Vĩnh Sơn lại trồng nhãn Lồng, soài Thái Lan và trồng ngô lai làm trang trại tổng hợp. Cái lý của người Mông trong thôn rất đơn giản: Làm kinh tế nông nghiệp hiện nay “bắt buộc” phải làm khác người. Khác ở chỗ, cái gì nhiều thì bỏ bớt, cái gì còn ít thì giữ lại.
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện nay của chúng ta cho thấy một nghịch lý “được mùa thì mất giá”. Cái lý của người Mông Vĩnh Sơn chính là: Của ít, của hiếm thì mới quý. Quy luật kinh tế thị trường chỉ ra rằng: Sản xuất phải tuân theo quy luật “cung – cầu”. Quy luật đó luôn đúng khi và chỉ khi “cầu” lớn hơn “cung” thì sản xuất sẽ phát triển mạnh, và ngược lại.
Thực tế tại làng Mông Vĩnh Sơn hiện nay rất khác biệt về cách làm ăn ở nhiều nơi khác là thế. Người Mông nơi đây rất nhậy cảm về tư duy kinh tế thị trường. Cái lý của họ là: “Làm” những gì mà người khác chưa làm. Đồng thời, họ sẽ “bỏ” những gì mà nhiều người cùng làm, hoặc cùng đổ sô vào làm.
Trưởng thôn Vĩnh Sơn, Thào Seo Phà cho biết: Kinh tế vườn đồi của Vĩnh Sơn hiện nay chủ yếu là nhãn Lồng, soài Thái lan. Nhiều gia đình làm kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập rất cao cả trăm triệu/năm ở Vĩnh Sơn không còn là hiếm. Ông Phà bảo tôi là Vĩnh Sơn làm ăn theo kiểu “phong trào cả làng” bao giờ. Điều mà Vĩnh Sơn lâu nay chọn cách làm ăn là sự khác người theo cách, cái gì người ta đổ sô làm thì bỏ bởi nó rất dễ rủi ro. Chỉ tôi về phía ông Sùng Seo Sì, một chủ nhân trang trại tổng hợp bộc bạch: Làm trang trại tổng hợp là lấy chăn nuôi để “nuôi” trồng trọt. Hiểu theo nghĩa chúng ta thường nói là: “lấy ngắn – nuôi dài”. Còn cái lý của đồng bào làm trang trại tổng hợp là để “tránh mất mùa toàn diện”. Ông Sì giải thích: Trang trại của ông mất mùa nhãn, thì ông thu mùa soài, mùa cá. Ngược lại mất cá, mất soài thì nguồn thu từ nuôi trâu, bò, thu từ ngô, nhãn... Ông Sì cho biết, trang trại tổng hợp của ông mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng từ nhãn, vải, soài, lợn và nuôi cá các loại.
Hỏi chuyện đồng bào trong thôn cho biết, cây nhãn ghép mắt, soài ghép mắt trồng, chăm bón đến năm thứ 3 là thu hoạch. Mỗi kg nhãn bán 20 – 25 ngàn đồng và soài thì 25 – 30 ngàn đồng/kg không bao giờ bị ép giá bán. Hiện tại, sản lượng nhãn, soài còn ít, mà thị trường thì rộng bao la.
Bên cạnh trồng các loại cây ăn quả có chọn lọc, đồng bào Vĩnh Sơn còn trồng ngô trên diện tích lớn. Mỗi năm, bình quân 2 vụ ngô trồng “nối vụ”. Sản lượng ngô làm ra phục vụ 2 mục tiêu là chăn nuôi và bán ngô hạt. Hiện nay, sau mùa Đông rét, cây ngô Đông Vĩnh Sơn đã bắt đầu cho thu hoạch trên 40 ha ngô lai NK66. Hạt thì bán ở chợ, lá thì nuôi trâu, bò, thân cây ngô thì phơi làm củi đốt... “không bỏ đi bất cứ cái gì mà cây ngô có được khi trồng ngô”. Đấy là câu trả lời đầy hấp dẫn và cũng đầy thú vị của người Mông Vĩnh Sơn trong dịp gặp gỡ đầu năm.
Đâu là sự khác biệt ở làng Mông Vĩnh Sơn đã rõ. Bằng tư duy nhạy cảm, sự làm ăn khôn ngoan, đã mang lại sự no đủ, nhiều nhà trở nên giàu có, làng Mông giàu có. Làng Mông Vĩnh Sơn tôi đến đầu xuân này đã trở thành làng Mông “kiểu mẫu” để mọi nơi trong, ngoài tỉnh có thể về đây để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm làm ăn.
Hãy về làng Mông Vĩnh Sơn để nhận thấy sự khác biệt đáng quý trong dịp đầu Xuân này.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc