Phát triển chăn nuôi - hướng thoát nghèo ở Nậm Ty

10:43, 20/02/2016

BHG- Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cho năng suất cao thì việc phát triển chăn nuôi đàn gia súc theo hướng hàng hóa ở xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đã có những bước tiến khá thành công, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nơi đây.

Xác định lợi thế là có nhiều bãi chăn thả rộng, thức ăn tự nhiên phong phú; đặc biệt là ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi giống cây trồng thì việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nuôi gắn với trồng cỏ đang là hướng đi đúng để giúp người dân từng bước thoát nghèo. Điển hình như gia đình Hầu Văn Đông, thôn Tấn Xà Phìn, trước đây gia đình anh chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc chỉ phục vụ cày kéo, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy điều kiện đất đai rộng lớn, gia đình anh đã vay mượn vốn để phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 13 đến 14 con trâu. Anh Đông cho biết: Hiện nay, gia đình anh chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho đàn trâu thì với gần 1 ha cỏ trồng được, gia đình anh có thêm cỏ để dùng vỗ béo cho đàn trâu. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập 40 – 50 triệu đồng từ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Không chỉ có gia đình anh Đông, mà còn có nhiều hộ gia đình ở các thôn: Nậm Ty, Nậm Lìn, Tấn Xà Phìn, Tả Hồ Piên..., cũng đã phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Theo thống kê của xã, hiện nay toàn xã có trên 16 nghìn con gia súc, gia cầm, trong đó: đàn trâu 1.415 con, đàn lợn 2.658 con, đàn gia cầm trên 12 nghìn con; diện tích cỏ trồng được là 117 ha, qua đó góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hợp, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ty cho biết: Từ lâu, chăn nuôi được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một mũi nhọn trong định hướng phát triển KT-XH, đặc biệt là chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Mục tiêu của xã đặt ra là mỗi năm tăng trưởng đàn gia súc đạt khoảng 5 - 6%. Để đạt được mục tiêu này, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, gia đình tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi; khuyến khích bà con nhân dân phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT trong chăn nuôi cho bà con nhân dân. Xã cũng đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phối hợp với các Ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi. Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt trên 14 tỷ đồng, phần lớn số vốn vay được người dân đầu tư cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Hoàng Su Phì cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi như hỗ trợ con giống, xây dựng chuồng trại, vay vốn lãi suất thấp..., qua đó tạo tiền đề cho người dân ổn định phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Cũng theo đồng chí Hợp cho biết, việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa của xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài sự biến động về giá, việc chăn nuôi ở đây phát triển với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tăng trưởng thấp, giá trị kinh tế còn chưa cao. Để chăn nuôi thực sự trở thành hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Ty đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi con giống, cải tiến phương thức chăn nuôi; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để xây dựng chuồng trại, mua con giống; đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ cho các hộ gia đình...

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa

BHG-  "9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, làm thủ tục thông quan 10 tờ khai xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa của các tư thương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 triệu USD. Đây thực sự là tín hiệu vui đầu năm, mở ra sự khởi đầu tốt đẹp cho hoạt động XNK hàng hóa trong năm nay" - Cục trưởng Cục Hải quan Hoàng Thế Duyên nói.

20/02/2016
Giá cả thị trường thực phẩm sau Tết đang dần "hạ nhiệt"

BHG- Những năm trước, giá các mặt hàng thực phẩm sau Tết Nguyên đán cứ "đến hẹn" lại "leo thang", khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên năm nay, hơn 10 ngày sau Tết, thị trường thực phẩm đã "hạ nhiệt" và đang dần trở lại mức giá bình thường. Giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm sau Tết hiện ở mức khá ổn định, thậm chí có sản phẩm như rau, củ, quả còn giảm nhẹ so với thời điểm những ngày cuối tháng Chạp.

20/02/2016
Nhộn nhịp sản xuất đầu Xuân ở HTX Hải Khang

BHG- Sau những ngày nghỉ ngơi sum họp cùng gia đình đón Tết, không khí vui Xuân khép lại; từ ngày mùng 9 Tết Bính Thân 2016, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến thực phẩm sạch Hải Khang (Bắc Quang) đã bắt đầu hoạt đồng trở lại với khí thế làm việc khẩn trương, nhộn nhịp, nỗ lực cao để đem đến sự hài lòng nhất cho khách hàng.

18/02/2016
Quang Bình tập trung sản xuất vụ Đông - xuân

BHG- Thời gian vừa qua, do thời tiết rét đậm kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Quang Bình nói riêng. 

18/02/2016