Nuôi trâu vỗ béo ở thị trấn Tam Sơn

08:18, 25/02/2016

BHG - Trước đây, người dân chỉ nuôi trâu để phục vụ cày cấy, thế nhưng giờ đây, ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) đã xuất hiện nhiều gia đình năng động, chuyển đổi sang nuôi trâu vỗ béo nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Đến thăm nhà ông Viên Quang Thắng, ở tổ 3 thị trấn Tam Sơn, người được bà con nhắc đến nhiều với việc sở hữu đàn trâu khá lớn từ khi thực hiện nuôi trâu vỗ béo. Ông Thắng tâm sự: “Trước đây nhà tôi chỉ nuôi 1 – 2 con trâu để phục vụ sản xuất thôi, phải hơn chục năm mới bán đi 1 con trâu già yếu. Trong khi trồng ngô, lúa thu nhập chẳng đáng là bao, đời sống gia đình mãi không khá lên được. Sau khi thấy một số hộ trong xóm nuôi trâu vỗ béo có thu nhập khá cao thì tôi đã mạnh dạn làm theo”. Từ năm 2014, ông Thắng đã vay tiền về để mua trâu nuôi vỗ béo, trồng thêm 1 ha cỏ và tận dụng ngô của nhà trồng vào phục vụ nuôi trâu. Mới đầu ông mua được 2 con trâu về, thử nghiệm cho ăn hết 30 kg bột ngô và cỏ trong 1 tháng, sau khoảng 5 – 6 tháng thì bán với giá 35 – 36 triệu đồng/con, lãi gần 10 triệu đồng/con. Từ số tiền thu được, ông Thắng tiếp tục mua trâu gầy yếu về nuôi, có thời điểm số lượng đàn trâu lên đến 5 – 6 con trong chuồng.

Đàn trâu nuôi vỗ béo của nhà ông Viên Quang Thắng, ở tổ 3 thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).
Đàn trâu nuôi vỗ béo của nhà ông Viên Quang Thắng, ở tổ 3 thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).

Đến thăm một hộ khác khá giả lên nhờ việc nuôi trâu vỗ béo là ông Lương Đình Kính, cũng là gia đình có số trâu lớn nhất nhì ở đây. Ông Kính chia sẻ: “Nhà tôi nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa được hơn 15 năm nay, mới đầu chỉ chăn nuôi vậy thôi chứ chưa có ý định vỗ béo. Đàn gia súc chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thỉnh thoảng bán đi 1 – 2 con. Về sau thấy nhiều người đến hỏi mua trâu, tôi mới quyết định nuôi nhốt trâu để vỗ béo, bán cho các thương lái. Từ năm 2000, nhà tôi bắt đầu trồng thêm cỏ và nuôi nhốt trâu, số tiền thu được lại dành toàn bộ để mua thêm trâu. Hiện nay, một con trâu gầy yếu có giá bán là 20 – 25 triệu đồng/con, sau khi vỗ béo bán được khoảng hơn 30 triệu đồng/con”. Thời gian vỗ béo tốt nhất là mùa Hè, khí hậu ấm áp, đàn trâu phát triển tốt, chỉ từ 3 – 4 tháng là bán được 1 lứa trâu. Tuy nhiên, việc nuôi trâu vỗ béo ở đây có thời gian ngắn, chỉ có thể tận dụng nuôi trâu vào mùa Hè và mùa Thu. Dù còn nhiều khó khăn song thu nhập từ việc nuôi trâu vỗ béo đã mang lại cho các hộ khó khăn ở vùng cao một khoản tiền tương đối lớn để tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.

Đề cập đến giải pháp giúp các hộ đang nuôi trâu vỗ béo phát triển, lãnh đạo UBND thị trấn Tam Sơn cho biết: “Tại thị trấn có khá nhiều hộ đang phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo và cho thấy đây là một hướng làm ăn có hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế hỗ trợ nào đối với các hộ này, ngoại trừ được huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trồng cỏ chăn nuôi. Trong khi rủi ro từ việc chăn nuôi trâu là khá lớn, vì trâu chịu rét kém hơn bò và ngựa, vốn đầu tư nhiều. Mong rằng các cấp, ngành xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ những hộ phát triển hình thức chăn nuôi trâu này, như cho vay vốn lãi suất thấp để người dân mua trâu, tu sửa chuồng trại kiên cố, chống rét cho gia súc vào mùa đông. Qua đó, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang phát triển các thôn trung tâm xã theo hướng đô thị

BHG - Chỉ trong 5 năm gần đây, nhiều thôn trung tâm (TTT) tại 4 xã: Hùng An, Đồng Yên, Kim Ngọc và Bằng Hành của huyện Bắc Quang từng bước khẳng định vai trò quan trọng là trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa, giáo dục, dịch vụ,... góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH toàn huyện. Kết quả quan trọng này được khơi nguồn từ Nghị quyết số 12 của BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang khóa XX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) về quy hoạch, xây dựng, phát triển các TTT xã theo hướng đô thị (ĐT).

25/02/2016
Vụ Xuân đối mặt với nhiều khó khăn

BHG- Bước vào vụ Xuân năm nay, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, đối với tỉnh ta, hiện tượng EL Nino với tình hình thời tiết có nhiều bất lợi như nhiều đợt rét hại xảy ra, nắng nóng kéo dài, có khả năng diễn ra từ vụ Xuân đến hết năm. Đặc biệt là ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc và 2 huyện phía Tây. Cùng với giá cả vật tư nông nghiệp lên xuống thất thường, ảnh hưởng nhiều tới sản xuất của nông dân.

24/02/2016
Niềm tin của người dân xã Xín Mần sau những ngày băng giá

BHG- "Cháy sạch" cỏ cây, rau màu và lụi cả những cánh rừng chỉ sau một đợt băng giá chưa từng có trong lịch sử đợt cuối tháng 1.2016. Đó là những thiệt hại của xã Xín Mần (Xín Mần) trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua.

24/02/2016
Hoàn thành kế hoạch trồng rừng: Thành quả của sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt

BHG- Cuối tháng 11, thời điểm kết thúc vụ trồng rừng 2015, các huyện, thành phố đã hoàn thành một cách ngoạn mục kế hoạch đề ra. Một số địa phương như Quản Bạ, Quang Bình, thành phố Hà Giang... trồng đạt và vượt kế hoạch rất cao. Kết quả trồng rừng 2015 cho thấy sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, sự vào cuộc tích cực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã mang lại tín hiệu tích cực.

24/02/2016