Niềm tin của người dân xã Xín Mần sau những ngày băng giá

09:45, 24/02/2016

BHG- “Cháy sạch” cỏ cây, rau màu và lụi cả những cánh rừng chỉ sau một đợt băng giá chưa từng có trong lịch sử đợt cuối tháng 1.2016. Đó là những thiệt hại của xã Xín Mần (Xín Mần) trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua.

Toàn bộ diện tích rừng mới trồng năm 2015 chết sạch sau rét.
Toàn bộ diện tích rừng mới trồng năm 2015 chết sạch sau rét.

Chúng tôi có mặt tại xã Xín Mần ngay sau những ngày đầu năm mới. Ảnh vệ tinh cho biết: Trung tâm xã Xín Mần nằm trên cao độ 1.576 m so với mực nước biển. Trong đợt rét hại cuối tháng 1.2016, toàn bộ diện tích 5 thôn của xã Xín Mần bị nhấn chìm trong băng giá. Không còn loài cây nào còn có lá sau đợt rét hại và băng giá. Lá cây rừng phòng hộ khu vực giáp biên giới Việt – Trung tại thôn Hậu Cấu nhuốm một màu đen sì. Gần như toàn bộ diện tích rừng được trồng, bảo vệ trong nhiều năm qua ở xã Xín Mần đều “cháy” hết lá, nhiều cây gãy gục vì băng đè. Kiểm tra sơ bộ cho thấy 200 ha rừng bị hư hỏng khó có thể phục hồi. Toàn bộ diện tích rừng mới trồng trong năm 2015, trên 95 ha tàn lụi vì băng phủ kín đợt rét hại ngày 23.1.2016. Kiểm tra cho thấy, không còn cây con nào có thể sống sót qua mấy ngày tuyết phủ, băng tan. Các anh lãnh đạo xã Xín Mần cho biết: Đợt rét trước Tết Nguyên đán ở nhiều nơi, nhiều thôn, bản trong xã đo được nhiệt độ từ -5 đến -7 độ C. Do đó, toàn bộ 5 thôn bản, với 234 hộ dân nơi đây chìm trong tuyết phủ. Những ngày băng tuyết toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước về các trung tâm: UBND, Trạm y tế, trường học...  đều mất nước do ống dẫn bị đóng băng. Nhờ công tác chủ động và ứng phó kịp thời nên không xẩy ra điều gì đáng tiếc. Duy nhất, chỉ có 7 con trâu, bò, chủ yếu là bê, nghé bị chét do sức đề kháng yếu. Hiện nay, tức gần 1 tháng sau băng tuyết, Xuân đã sang, trời cũng có những ngày hửng nắng, nhưng cảnh quan về môi trường rừng tại Xín Mần vẫn một màu...  cháy đen.

Chúng tôi cảm thấy bàng hoàng khi chứng kiến hàng chục ha cây Thảo quả nằm núp dưới tán rừng phòng hộ thôn Hậu Cấu như bị ai đó đem nhúng vào nồi nước đun sôi, luộc chín. Khó có thể phục hồi được diện tích Thảo quả trên 60 ha ở Xín Mần bị cháy sau rét, đấy là nhận định của đồng bào địa phương. “Mục sở thị” tại các thôn: Hậu Cấu, Xín Mần, Tả Mủ Cán, Quán Dín Ngài...  không còn một đọt cỏ chăn nuôi nào sống sót. Và không còn lấy một giàn bí, cọng rau nào còn màu xanh...  Thay vào đó, là một màu đen xám xịt sau giá rét lịch sử vùa qua để lại cho đến giờ phút này.

Tìm hiểu về đời sống của đồng bào địa phương, chúng tôi thấy tự hào đến rơi nước mắt. Những nụ cười, lòng tự tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vẫn vẹn nguyên trong gian khó. Bên bếp lửa ấm trong nhiều căn nhà, tiếng cười vẫn âm vang bên chén rượu nồng đón khách. Một bát cơm đầy, một đĩa thịt lợn treo gác bếp và những lời mời vồn vã của gia chủ làm lòng tôi ấm lại sau lúc trèo đồi xem rừng, bới tìm gốc cây Thảo quả héo rũ. Các anh lãnh đạo xã cho hay, Tết này, giờ này, cả 234 hộ trong xã đều có ăn, có mặc, đón Tết vui vẻ. Nhiều người dân xã Xín Mần cho rằng, chỉ ít ngày nữa thôi, nắng sẽ ấm, cỏ lại trồng lại, rừng rồi sẽ phục hồi dưới bàn tay lao động của đồng bào. “... Hết tháng 2 trời sẽ nắng, sang tháng 3 nương ngô, ruộng lúa sẽ được cày, vào tháng 4, đậu tương, ngô chính vụ sẽ được “gặp đất”. Và rồi hạt ngô sẽ lại ra nương làm cho xã Xín Mần “xanh” trở lại! Đấy là câu trả lời của biết bao người dân trên địa bàn xã trong dịp đầu năm mà tôi đã gặp.

Trên 60 ha thảo quả xã Xín Mần héo rũ sau rét khó phục hồi.
Trên 60 ha thảo quả xã Xín Mần héo rũ sau rét khó phục hồi.

Sau giá rét, người dân mong được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống, phân bón kịp thời để dân trồng cấy lại. Theo kế hoạch: Năm nay, xã Xín Mần sẽ trồng 258 ha ngô, 50 ha đậu tương, 46 ha rừng và tập trung trồng lại 30 ha cỏ, duy trì gần 3.000 con gia súc... Trưởng phòng NN & PTNT huyện Xín Mần, Ngô Văn Tăng cho biết: Phòng đã xây dựng phương án trình Thường trực UBND huyện có cơ chế, chính sách kịp thời hỗ trợ đồng bào các xã khắc phục thiệt hại sau rét.

Chúng tôi mong được các cấp, các ngành của tỉnh, Trung ương cùng bắt tay giúp đồng bào các xã vùng phên dậu nơi đây sớm khôi phục sản xuất để họ giữ đất, giữ làng. Tin rằng, một ngày gần nhất sau Xuân, chúng tôi lại đến với xã Xín Mần để thấy “màu xanh yêu thương” trở lại trên khắp miền Biên viễn. Và còn để thấy lòng quyết tâm vượt khó, bám trụ giữ gìn mảnh đất biên cương Tổ quốc oai hùng mà cha ông ta đã bỏ biết bao xương máu giữ gìn.

Rời xã Xín Mần, chúng tôi cứ mong sao cho thời tiết trên này bớt đi mây mù, nắng sẽ chói trang để đồng bào trồng cấy, để trẻ em tới trường và để cho những nụ cười hồn hậu nơi biên cương đượm mãi trên môi.

NGUYỄN MẠNH HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vụ Xuân đối mặt với nhiều khó khăn

BHG- Bước vào vụ Xuân năm nay, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, đối với tỉnh ta, hiện tượng EL Nino với tình hình thời tiết có nhiều bất lợi như nhiều đợt rét hại xảy ra, nắng nóng kéo dài, có khả năng diễn ra từ vụ Xuân đến hết năm. Đặc biệt là ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc và 2 huyện phía Tây. Cùng với giá cả vật tư nông nghiệp lên xuống thất thường, ảnh hưởng nhiều tới sản xuất của nông dân.

24/02/2016
Họp Hội đồng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng

BHG- Ngày 23.2, Hội đồng quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) của tỉnh họp tổng kết triển khai thực hiện Quỹ BV&PTR gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ chủ trì.

23/02/2016
Hiệu quả Đề án xã phát triển toàn diện ở Bắc Quang

BHG - Thực hiện theo Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh giai đoạn 2014 – 2016, huyện Bắc Quang với việc xác định đúng nội dung trọng tâm và có những cơ chế hỗ trợ, ưu tiên bố trí nguồn lực đã giúp người dân có thêm động lực nâng cao đời sống, góp phần tạo bộ mặt nông thôn khởi sắc.

23/02/2016
Sự "khác biệt" ở làng Mông Vĩnh Sơn

BHG - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Hoàng Hải Chư cho biết: Thôn Vĩnh Sơn có 113 hộ đồng bào Mông sinh sống. Hiện nay, thôn chỉ còn 6 hộ nghèo. Tư duy làm ăn của đồng bào Mông ở đây "khác biệt" hẳn cách làm của nhân dân trong xã và trong cả vùng này. 

23/02/2016