Nghị định số 55 của Chính phủ tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế - xã hội
BHG - Theo số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, dư nợ cho vay toàn ngành trên địa bàn đến 31.12.2015 đạt 11.951 tỷ đồng, tăng so với 31.7.2015 (thời điểm Nghị định 55/2015/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực) là 601 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trên 6%; tăng so với đầu năm là 1.797 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 17,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2015. Bởi lẽ, khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP được thực hiện đã tạo ra cú hích lớn cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn (NNNT) giúp khơi thông nguồn vốn tới người dân.
Cán bộ CCVC Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quang Bình tạo điều kiện cho người dân vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ để phát triển kinh tế. |
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Giang cho biết về những thuận lợi cho người dân và các tổ chức, cá nhân khi vay nguồn vốn này: Để thực hiện tốt Nghị định 55 của Chính phủ, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trên địa bàn bám sát chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-NHNN, Chỉ thị số 1625/CT-UBND và được cụ thể hóa trong Chương trình hành động thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của NHNN để xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh công tác huy động vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho các nhu cầu vay vốn hợp lý của khách hàng; ưu tiên tập trung vốn cho vay sản xuất theo mô hình liên kết, liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp (NN), liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực NN theo quy định.
Bên cạnh đó, chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của ngân hàng cấp trên về điều hành lãi suất để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam từng thời kỳ; thực hiện giảm lãi suất đối với khách hàng có mua bảo hiểm trong NN khi vay vốn phù hợp với chính sách khách hàng và quy định của pháp luật. Thực hiện cho vay đối với lĩnh vực NNNT theo hướng rõ ràng, công khai, minh bạch thủ tục vay vốn; đơn giản, thuận tiện, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tăng cường công tác tư vấn, giúp đỡ khách hàng trong lĩnh vực NNNT để các đối tượng khách hàng có đủ các điều kiện tiếp cận và sử dụng hiệu quả vốn vay. Thực hiện triển khai các giải pháp tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ); xem xét miễn, giảm lãi vốn vay... nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Khách hàng; chương trình gắn kết tín dụng với chương trình tái cơ cấu ngành NN, Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Thực hiện kết nối doanh nghiệp với Quỹ bảo lãnh tín dụng và Ngân hàng Phát triển để các doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn theo quy định.
Song song với công tác chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện, NHNN chỉ đạo các NHTM phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách và giải pháp liên quan đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT; tuyên truyền, quảng bá các mô hình sử dụng vốn có hiệu quả trong lĩnh vực NNNT. Đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp tín dụng liên quan đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT lên website của NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang. Chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN và Chỉ thị số 1625/CT-UBND. Xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của tỉnh, đảm bảo việc cung ứng dịch vụ ngân hàng và thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Thực hiện việc khoanh nợ, xóa nợ theo đúng quy định của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN.
Như vậy, Nghị định 55/2015/NĐ-CP ra đời đã khắc phục được nhiều hạn chế của Nghị định 41/2010/NĐ-CP trước đó. Được các cấp, các ngành và người dân nhiệt tình ủng hộ và đánh giá cao. Điều đáng mừng đó là đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất thấp, mức vay không bảo đảm bằng tài sản được nâng lên để phát triển sản xuất NN. Giúp phát huy tiềm năng thế mạnh về sản xuất NN của địa phương như phát triển cây cam, chè, Thảo quả, chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, ngựa... tạo điều kiện thuận lợi để các chương trình kinh tế trọng tâm, các vùng có thế mạnh của tỉnh phát triển thuận lợi. Đặc biệt, góp phần khuyến khích các TCTD mở rộng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực NNNT nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho lao động khu vực nông thôn, khuyến khích làm giàu chính đáng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc