Mèo Vạc nỗ lực phủ xanh miền đá xám
BHG- Nếu ai đã từng đặt chân tới mảnh đất biên cương Mèo Vạc chắc hẳn sẽ không thể nào quên những dãy núi đá sừng sững, điệp trùng với một màu xám xịt. Với mục đích thay dần màu xám ngắt của đá tai mèo bằng màu xanh của cây rừng, địa phương đang đẩy mạnh công tác trồng rừng, quyết tâm mang đến một “không gian xanh” trên vùng Cao nguyên đá.
Bà con nhân dân xã Pả Vi nhiệt tình tham gia công tác trồng rừng. |
Để công tác trồng rừng thực sự mang lại hiệu quả, huyện Mèo Vạc đã thành lập BCĐ trồng rừng mới năm 2015 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các phòng, ban chuyên môn. Đồng thời, lập hồ sơ, dự toán trồng rừng đảm bảo tiến độ; chủ động liên hệ nguồn giống có chất lượng, đủ số lượng phục vụ cho trồng cây phân tán và trồng rừng phòng hộ năm 2015; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả nghiệm thu trồng rừng của các xã, thị trấn. Theo thông tin từ BQL dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng huyện Mèo Vạc được biết, công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng phòng hộ và rà soát quỹ đất trồng cây phân tán được triển khai đúng tiến độ. Đồng thời, hợp đồng với trên 4.600 hộ nhận khoán trồng rừng phòng hộ và đăng ký trồng cây phân tán. Nhằm đảm bảo công tác trồng rừng theo kế hoạch, huyện đã hợp đồng với HTX dịch vụ Vũ Linh (đơn vị sản xuất cây giống tại tỉnh Phú Thọ) cung cấp gần 2 triệu cây giống các loại. Bên cạnh đó, nhân dân tự gieo ươm trên 35.000 cây giống. Sau khi nhận được chỉ tiêu giao, huyện đã phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng xã thực hiện. Trong quá trình triển khai, nhiều xã đã trồng hoàn thành diện tích ngay từ rất sớm và đưa nhiều loại giống cây mới vào trồng. Trong tổng số 1.300 ha rừng trồng mới, có 1.200 ha rừng phân tán được trồng trên địa bàn 18 xã, thị trấn; 100 ha rừng phòng hộ được trồng tập trung ở 4 xã: Niêm Sơn, Niêm Tòng, Thượng Phùng và Xín Cái. Cơ cấu giống gồm các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng như: Thông, Sa Mộc, Mắc Rạc. Qua kiểm tra, nghiệm thu cho thấy chất lượng và tỷ lệ cây sống đạt trên 86%. Đồng chí Nguyễn Đình Thụ, Phó BQL dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng huyện Mèo Vạc cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai trồng rừng do yếu tố thời tiết không thuận lợi nhưng với quyết tâm cao, cùng với sự tham gia tích cực của nhân dân đã giúp cho công tác trồng rừng của huyện đảm bảo chỉ tiêu đề ra”.
Mặc dù công tác trồng rừng trên địa bàn huyện Mèo Vạc đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn trong việc triển khai, đặc biệt thời gian đầu thực hiện đạt thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa nên tiến độ còn chậm. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng phân tán được hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, khối lượng lớn với nhiều hộ tham gia, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nghiệm thu, giải ngân và công tác thanh quyết toán. Trong quá trình trồng rừng lâm nghiệp xã hội theo kế hoạch giao, sau khi nghiệm thu thanh toán tiền cho nhân dân khó đảm bảo diện tích, tỷ lệ sống sau trồng. Đó là do người dân trồng phân tán, nhỏ lẻ dẫn tới khó chăm sóc, bảo vệ... trong khi không có ràng buộc trách nhiệm đối với các hộ nhận trồng rừng; công tác bảo vệ rừng chưa thực sự nghiêm túc... Trước những khó khăn đó, Mèo Vạc đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao trách nhiệm của các gia đình, nhất là các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đối với những thôn có diện tích rừng trên 300 ha, huyện đã chỉ đạo thành lập tổ đội bảo vệ rừng từ 5 – 10 thành viên (gồm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên của xóm...); những diện tích khác giao cho cộng đồng thôn bản cùng quản lý, bảo vệ.
Mới đây, trong buổi phát động trồng Đào cảnh quan tại thị trấn Mèo Vạc, thực sự vui mừng khi người dân nơi đây nhiệt tình tham gia và họ hiểu được ý nghĩa của việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Điều đó đang cho thấy công tác tuyên truyền, vận động đang phát huy hiệu quả. Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp Mèo Vạc sớm đạt mục tiêu “phủ xanh” miền đá xám.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc