Hội nghị đưa giống tốt vào sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020
BHG - Ngày 25.2, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị đưa giống tốt vào sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Tham dự có: lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Công nghệ sinh học – Đại học Lâm nghiệp; Viện nghiên cứu phát triển Lâm nghiệp – Đại học Nông lâm Thái Nguyên; Viện Dược liệu… ; các huyện, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phạm Văn Điển phát biểu tại hội nghị |
Hiện nay, ở tỉnh có 13 nguồn giống cây được công nhận là Keo Tai Tượng, Keo lai BV10, BV32, BV16, Sa mộc, Hồ đào, Thông… Trong đó, 7 nguồn giống đang trong thời hạn công nhận và 6 nguồn giống đã hết thời hạn công nhận. Có 23 cơ sở hoạt động sản xuất gieo ươm cây phục vụ kế hoạch trồng rừng. Hàng năm có thể gieo ươm được khoảng trên 30,5 triệu cây, tương đương phục vụ trồng 15.280 ha. Tổng số cây giống đã sử dụng để phục vụ kế hoạch trồng rừng hàng năm giai đoạn 2010 – 2015 là trên 117 triệu cây; tập trung vào các loại: Mỡ, Keo, Bồ đề, Thông mã vĩ, Sa mộc, Xoan… Trong đó, số giống sản xuất tại tỉnh chiếm 57,3% và mua hợp đồng ngoại tỉnh là 42,7%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá số lượng giống sản xuất trong tỉnh còn thiếu, chất lượng thấp; tỷ lệ giống tốt có chất lượng cao đem trồng rừng chỉ đạt 10%, công tác kiểm soát giống còn yếu…
Đưa ra các giải pháp về giống năm 2016 và giai đoạn tiếp theo, thực hiện thống kê loài cây, diện tích trồng rừng, lập kế hoạch đưa giống cây lâm nghiệp có chất lượng tốt vào trồng rừng. Thực hiện quản lý nghiêm ngặt đối với nguồn giống trồng rừng bằng ngân sách nhà nước. Kiểm tra chặt chẽ việc sản xuất, vận chuyển giống, thực hiện tốt công tác quản lý, sản xuất gieo ươm cây giống lâm nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ sử dụng giống mới, có chất lượng cao trong trồng rừng đạt trên 30%… Xây dựng các mô hình trồng rừng, khuyến khích các tổ chức tham gia nghiên cứu, lai tạo, sản xuất, cung ứng giống.
Tin, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc