Hội nghị đánh giá tình hình phát triển cây cam
BHG- Sáng 22.2, tại Hội trường UBND huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình phát triển cây cam, giai đoạn 2013-2015; triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn kế tiếp. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và đại diện lãnh đạo các xã, hộ trồng cam…
Toàn cảnh hội nghị. |
Thực hiện chương trình phát triển cây cam, giai đoạn 2013-2015 của UBND tỉnh, các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm sở thích sản xuất cam, xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai tổ chức thực hiện đến cơ sở. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình phục hồi vườn cam sành suy thoái về năng suất, chất lượng; trồng mới cây cam; xây dựng vườn cam sành theo tiêu chuẩn VietGap và tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.709,4 ha cam (tăng trên 4,1 nghìn ha so với năm 2012). Trong đó, 134,9 ha cam sành được chứng nhận VietGap, gần 1.600 ha cam cho thu hoạch với năng suất bình quân 82,9 tạ/ha (tăng 16,2 tạ/ha so với năm 2012). Riêng năm 2015, tổng giá trị sản phẩm cam, quýt toàn tỉnh ước đạt trên 144,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm cam sành được đơn vị hữu quan của tỉnh chú trọng, bằng cách: Cập nhật hình ảnh, thông tin về sản phẩm cam sành trên website, Bản tin Công thương Hà Giang; tổ chức tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ lớn, trọng điểm trong nước và tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành Hà Giang... Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cam sành Hà Giang, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Qua ý kiến thảo luận của các đại biểu, kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến yêu cầu 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên cần rà soát, đăng ký cho các hộ trồng cam sành theo tiêu chuẩn VietGap tham gia Tổ hợp tác, HTX. Trên cơ sở đó, tổ chức lại sản xuất cho nông dân, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm cam sành, tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ trồng cam tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất. Tiến tới thành lập Hiệp hội cam sành tại các huyện. Mặt khác, các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong cách làm để phấn đấu làm nổi bật giá trị, thương hiệu sản phẩm cam sành Hà Giang trong năm 2016...
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc