Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Yên Minh
BHG - Những năm qua, ở Yên Minh, trong số diện tích đất gieo trồng cây hàng năm, đã có hàng nghìn hecta đất được người dân sử dụng các loại máy cơ giới để thực hiện các khâu làm đất; cho thấy hoạt đông cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được huyện vùng cao này quan tâm.
Năm 2015, huyện Yên Minh có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là trên 25.000 ha. Theo báo cáo của UBND huyện thì có khoảng 10% trong số đó được cơ giới hoá trong các khâu làm đất. Đây thực sự là một con số không nhỏ đối với một huyện vùng cao núi đá, diện tích chủ yếu là đồi núi với độ dốc, chia cắt lớn, giao thông đi lại khó khăn; chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân cơ bản vẫn giữ phương thức sản xuất cũ bằng sự hỗ trợ của các loại vật nuôi như trâu, bò.
Người dân xã Du Tiến làm đất bằng máy. |
Được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền và nhận thức của bà con ngày một nâng lên. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng các loại máy phay đất người dân được hỗ trợ cũng như tự bỏ kinh phí ra mua về để giảm thiểu công lao động trong các khâu làm đất, cày, bừa, thay thế cho gia súc ngày một tăng. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Hoàng Quang Hoàn cho biết: Tính đến hết năm 2015, toàn huyện có trên 1.100 máy phay đất. Nếu so với các huyện vùng thấp, huyện trọng điểm sản xuất lúa thì con số các loại máy cơ giới áp dụng trong sản xuất nông nghiệp của Yên Minh còn thấp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như con người của huyện chúng tôi thì đây cũng là một kết quả đáng mừng. Bởi phần lớn số lượng máy phay đất do người dân chủ động bỏ tiền để mua về áp dụng vào sản xuất. Cho thấy nhận thức của bà con trong thay đổi tập quán sản xuất thủ công bằng máy móc, thay thế sức người, gia súc, tiết kiệm thời gian, công lao động, nâng cao chất lượng công việc là rất đáng mừng.
Những năm qua, năng suất, sản lượng lương thực của huyện Yên Minh ngày một tăng lên. Cụ thể năm 2015, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt trên 42.000 tấn, tăng gần 10 nghìn tấn so với năm 2010. Kết quả của sự tăng trưởng này ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện những mô hình thâm canh 5 cùng và thay đổi các giống cây trồng có năng suất cao hiệu quả. Thì trong đó chắc chắn có sự đóng góp của việc áp dụng đưa cơ giới hoá, KHKT vào sản xuất nông nghiệp của huyện và người dân.
Anh Nguyễn Văn Hơi, thôn Bản Lý, xã Du Tiến chia sẻ: Nếu như trước đây phải dùng 5 – 6 con trâu để quần một thửa ruộng cả tuần mới xong (cách làm đất trồng lúa cũ của bà con), thì nay chỉ cần nửa ngày với chiếc máy phay đất, chúng tôi đã làm hoàn thành công đoạn này. Điều này giúp đảm bảo cho thời gian gieo cấy, không tốn nhiều công mà lại giữ được sức khoẻ cho đàn gia súc. Các gia đình trong thôn giờ chăn nuôi trâu, bò không phải với mục đích để cày ruộng nữa mà là để phát triển thành hàng hoá đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện nay, đối với các huyện vùng thấp, việc sử dụng gia súc để cày, bừa, làm đất dường như đã hạn chế rất nhiều vì khiến người dân mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả công việc không cao. Thay vào đó là những chiếc máy cơ giới hiện đại, dễ sử dụng, hiệu quả cao. Yên Minh cũng vậy, dù chỉ mới có hơn 2.000 ha diện tích đất sản xuất hàng năm được cơ giới hoá trong các khâu làm đất. Thế nhưng đây là những nỗ lực, cố gắng của các cấp uỷ, chính quyền, ngành Nông nghiệp và người dân huyện Yên Minh.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc