Mùa mật ong Bạc hà trên Cao nguyên đá
BHG- Loài hoa mang tên Bạc hà tưởng chừng chỉ mang lại sự ấm áp cho những dãy núi đá xám xịt thêm sức sống giữa những ngày Đông lạnh, nhưng chính loài hoa ấy đã gây dựng nên thương hiệu “có một không hai” trên miền Cao nguyên đá – mật ong Bạc hà. Nghề nuôi ong lấy mật của người dân miền đá Mèo Vạc cùng với chỉ dẫn địa lý về sản vật này đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần XĐGN cho người dân nơi đây.
Mỗi năm, gia đình anh Hoàng Ngọc Thanh, xã Pải Lủng thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi ong. |
Mở hướng đi thoát nghèo.
Không giống với bất cứ nơi nào trên miền Cao nguyên đá, vùng đất Mèo Vạc lâu nay là nơi sinh sôi, nảy nở của loài hoa dại Bạc hà. Cũng chẳng nhớ rõ từ bao giờ, người dân nơi đây đã biết nuôi ong để lấy loại mật quý. Nếu như trước đây, nuôi ong chưa trở thành nghề, người dân chỉ nuôi một vài đàn ong lấy mật sinh hoạt trong gia đình. Thậm chí, nhiều người chỉ vô tình bắt đàn ong ở trong rừng để lấy mật. Từ khi được công nhận chỉ dẫn địa lý cho mật ong Bạc hà của huyện (tháng 3.2013), nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, người dân bắt đầu mở rộng nghề nuôi ong, trở thành phong trào ở các thôn xóm trên địa bàn. Hiệu quả từ nghề nuôi ong đã trở thành “mấu chốt” để Mèo Vạc xác định đưa nghề nuôi ong trở thành một trong những ngành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, giúp người dân từng bước XĐGN bền vững. Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: “Trước đây, nuôi ong chỉ dừng lại ở mức độ tự phát ở các gia đình. Đến nay, từ những hiệu quả đạt được cùng với chỉ dẫn địa lý nên người dân đã mạnh dạn nhân rộng mô hình nuôi ong, mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Chúng tôi có dịp về xã Pải Lủng, một trong những địa phương có số lượng đàn ong lớn ở Mèo Vạc hiện nay. Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã, Hoàng Lê Duẩn, chúng tôi đến vùng nuôi ong tập trung của gia đình anh Hoàng Ngọc Thanh, hiện đang nuôi trên 100 đàn. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi ong, anh Thanh cho biết: “Nuôi ong nhiều khi phải được tay, có năm lượng mật thu được không bằng công chăm sóc, nhưng năm được mùa bù năm mất mùa nên cũng gắn bó với nghề. Trước đây chưa có kinh nghiệm nên thiệt hại nhiều, đến nay nuôi ong đã trở thành nghề chính, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình”. Năm nay, hoa Bạc hà chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu nên lượng hoa ít, hoa bé, ít nhụy nên mật ong Bạc hà thu được không nhiều. Tính cả vụ, gia đình anh Thanh thu được khoảng trên 400 lít mật ong, thu nhập trên 150 triệu đồng. Do lợi nhuận từ nghề nuôi ong mang lại cao nên vài năm trở lại đây, xã Pải Lủng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư nuôi ong. Đến nay, toàn xã có tới trên 400 đàn ong, góp phần đáng kể vào công tác XĐGN trên địa bàn. Không chỉ riêng xã Pải Lủng, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc cũng xác định nuôi ong là một trong những hướng đi chính giúp người dân nâng cao thu nhập.
Một mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Pải Lủng (Mèo Vạc). |
Khẳng định thương hiệu.
Với các cơ chế khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong, đến nay toàn huyện Mèo Vạc có trên 8.000 đàn ong mật, trong đó, có Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng tổ chức sản xuất kinh doanh tập trung, còn lại chủ yếu là các gia đình nuôi ong theo hình thức tự phát. Được biết, HTX Tuấn Dũng được thành lập vào năm 2005, ban đầu chỉ nuôi 80 đàn ong. Từ năm 2013, khi có chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà đã tạo động lực giúp HTX mở rộng số lượng đàn ong, đến nay HTX đã có 2.100 đàn. Mỗi vụ ong, HTX sản xuất và thu mua khoảng 12.000 lít mật ong, trừ chi phí chăm sóc và mua giống mỗi năm thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Anh Ngô Mạnh Cường, Chủ nhiệm HTX Tuấn Dũng cho biết: “Để nâng cao thương hiệu và giữ vững chất lượng, HTX đã mở rộng số lượng và quy mô nuôi ong trên địa bàn các xã có nhiều hoa Bạc hà như: Sủng Trà, Sủng Máng, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù... Đồng thời, cử người xuống hướng dẫn các hộ gia đình kỹ thuật nuôi, cách lấy mật và thu mua mật ong thành phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các hộ nuôi ong”.
Theo tìm hiểu, khi chưa có chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà, đa số người dân nuôi theo hình thức hộ gia đình, nhưng nay đã có nhiều người mạnh dạn đầu tư, nhân rộng đàn ong theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng đến mục tiêu đạt 20.000 đàn ong vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, Mèo Vạc đã tổ chức cho cán bộ khuyến nông tập huấn, phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho người dân. Đồng thời, có những cơ chế khuyến khích phát triển đàn ong địa phương như: hỗ trợ vốn, nghiêm cấm các loại ong ngoại lai để đảm bảo chất lượng mật ong địa phương. “Hiện nay, HTX đã xây dựng đề án phát triển mật ong Bạc hà và tham mưu cho UBND huyện quy hoạch vùng nguyên liệu để giữ vững thương hiệu. Nếu như mỗi năm HTX mua giống, cuối vụ ong lại thanh lý thì năm nay giữ lại toàn bộ để cung cấp giống cho người dân có nhu cầu nuôi ong và bao tiêu sản phẩm. Đối với những người cần học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, HTX sẽ hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc” – anh Cường cho biết thêm.
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, huyện Mèo Vạc đang tiếp tục triển khai các chương trình liên kết, quảng bá và nhân rộng đàn ong để thương hiệu mật ong Bạc hà trở thành “sản vật” nổi tiếng của vùng Cao nguyên đá. Quan trọng nhất chính là đời sống người dân ngày một ấm no.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc