Nỗ lực đưa vụ Đông thành vụ chính ở Bắc Mê
BHG - Với chủ trương đưa vụ Đông trở thành vụ chính trong cơ cấu mùa vụ của huyện, hoạt động sản xuất cây trồng vụ Đông ở Bắc Mê đã có sự phát triển về diện tích, sản lượng; giúp cho người dân nâng cao thu nhập, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu khung thời vụ. Vụ Đông năm nay, huyện Bắc Mê gieo trồng 902 ha cây rau, màu các loại; trong đó, có 89 ha cây ngô đông, 689 ha cây rau, đậu các loại, 100 ha khoai lang, 24 ha khoai tây...
Lãnh đạo UBND huyện Bắc Mê và các cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình sản xuất cây trồng vụ đông tại thôn Nà Cau, xã Minh Ngọc. Ảnh: ĐẠI TÂM |
Phú Nam là một trong những xã có truyền thống về sản xuất cây rau vụ Đông của huyện Bắc Mê. Đến xã Phú Nam thời điểm này, có thể thấy người dân đang tập trung chăm sóc cho những vườn rau xanh tốt. Nhiều gia đình nhờ đó mà nâng cao thu nhập. Thăm vườn rau xanh tươi của gia đình anh Nguyễn Văn Thọ, tại thôn Nà Quạc – một trong những thôn có diện tích trồng rau vụ Đông lớn của xã Phú Nam, anh Thọ phấn khởi cho biết: “Gia đình vừa mới thu hoạch hơn 1 sào bắp cải, bán với giá đầu vụ là 20 ngàn đồng/1kg; thậm chí những lá già, xấu cũng được mua với giá từ 5 - 7 ngàn đồng/1kg, thu nhập được hơn 10 triệu đồng. Gia đình tôi đã có truyền thống trồng rau gần 20 năm nay, vì vậy cây rau màu chính là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ việc lựa chọn giống rau đến khâu làm đất, bón phân, chăm sóc đều được các thành viên trong gia đình thực hiện kỹ càng. Bên cạnh đó, cũng như các hộ gia đình khác của thôn, gia đình tôi không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích mà chủ yếu sử dụng nguồn phân bón hữu cơ để chăm sóc cây rau”. Từ nguồn thu nhập ổn định của cây rau màu, gia đình anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác cây rau từ 2 sào lên đến 5 sào. Trồng 2 vụ rau, 1 vụ ngô mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 40 triệu đồng, cuộc sống đã bớt khó khăn, vất vả. Anh Hoàng Khải Tôn, cán bộ Khuyến nông xã Phú Nam chia sẻ: “Các cấp, các ngành của xã đều khuyến khích việc người dân sử dụng phân bón hữu cơ, diệt trừ sâu bệnh bằng phương pháp thủ công để cây rau sinh trưởng và phát triển tốt, có chất lượng đảm bảo”. Nói về hiệu quả của cây trồng vụ Đông tại địa phương, ông Phạm Văn Miên, Chủ tịch UBND xã Phú Nam cho biết: Phú Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển cây rau vụ Đông. Những năm qua, các loại cây rau, màu đã cho thấy thế mạnh và hiệu quả kinh tế cao trên những diện tích đã được canh tác. Rau, màu không chỉ tiêu thụ trong địa bàn mà còn được bà con chở đi bán tại các địa phương lân cận và bước đầu gây dựng được uy tín, thương hiệu của cây rau Phú Nam.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thọ, thôn Nà Quạc, xã Phú Nam chăm sóc vườn rau. |
Phát triển nông - lâm nghiệp luôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở. Anh Lý Hải Vĩnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Mê cho biết: Từ việc cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án trong lĩnh vực sản xuất nông – lâm nghiệp đến việc ban hành các cơ chế hỗ trợ và chỉ đạo triển khai sản xuất đều được các cấp, các ngành tập trung thực hiện một cách khẩn trương và có hiệu quả. Để thúc đẩy tập quán canh tác cây vụ Đông, UBND huyện đã dành ngân sách hỗ trợ phân bón NPK với mức 200kg/ha để hỗ trợ thực hiện 48,5 ha cây trồng vụ Đông tại một số thôn của các xã: Yên Định, Minh Ngọc, Minh Sơn, Lạc Nông, Yên Phong, Yên Cường và thị trấn Yên Phú. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động của công tác khuyến nông ở cơ sở cũng được chú trọng. Năm 2015, huyện đã tổ chức được 14 lớp đào tạo, tập huấn cho khuyến nông thôn bản và nhân dân các xã, thị trấn với trên 650 lượt người tham gia; công tác bảo vệ thực vật được duy trì, các ngành chuyên môn chủ động tổ chức thăm đồng, dự tính, dự đoán sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp đề phòng.
Từ hiệu quả của cây trồng vụ Đông, bên cạnh những chính sách ủng hộ, hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thúc đẩy vụ Đông trở thành vụ chính trong cơ cấu mùa vụ thì vẫn cần sự chủ động, tích cực của người dân trong lao động sản xuất, chuyển đổi khung thời vụ, phát triển kinh tế gia đình, XĐGN, từ đó mới góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT – XH của địa phương.
ĐẠI TÂM
Ý kiến bạn đọc