Khủng Cáng phấn đấu thoát nghèo
BHG- Rời Tam Sơn (Quản Bạ), cái thị trấn cửa ngõ của Cao nguyên đá Đồng Văn nơi căng đầy của “núi cô tiên”, chúng tôi thong thả trên con đường trải nhựa đắm chìm vào một không gian đầy chất thơ của núi và mây để đến với xã vùng biên Nghĩa Thuận. Đẹp, nên thơ, đầm ấm là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về đất và con người nơi đây. Nhưng đó mới là tất cả những cái gì hiện hữu trước mắt mà theo đúng như lời Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Phan Thông Quyết tâm sự thì: “Xã Nghĩa Thuận còn nhiều khó khăn lắm. Nhất là đối với những thôn, xóm chưa có đường giao thông thuận lợi cho bà con giao thương hàng hóa... Đường giao thông khó khăn, chính là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của người dân nơi đây...”.
Người dân tự đóng góp tiền mở đường, đến nay, thôn Khủng Cáng đã có mặt đường ổn định, chờ Chương trình NTM để cùng chung sức làm đường bê-tông. |
Để đến được thôn Khủng Cáng thì phải qua thôn Phín Ủng - một thôn mang đậm chất của vùng cao, những nếp nhà đơn sơ nép mình bên khe núi như thể nhường lại diện tích đất vốn ít ỏi của Cao nguyên đá cho trồng cây nông nghiệp và nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì đây quả là vùng đất không chỉ tốt mà còn khá là phì nhiêu bởi sự hiện hữu của bạt ngàn diện tích cây Hồng không hạt, một loại quả đặc sản làm nên thương hiệu cho huyện Quản Bạ. Xen kẽ với đo, là những vạt cỏ chăn nuôi xanh mướt tới cuối đồi... Và thôn Khủng Cáng cũng vậy, với tất cả những điều đó thì cớ sao tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm tới 60 - 70%? Tất cả cũng chỉ tại con đường nối liền từ xã tới thôn còn quá kém so với nhu cầu giao thương của bà con.
Sau gần 2 giờ đồng hồ gồng mình vượt qua con đường nhầy nhụa bùn, đất sau mưa; chúng tôi mới vào tới thôn Khủng Cáng - dù quãng đường này chỉ dài hơn 1 km. Vậy mới thấy được sự vất vả của người dân khi vận chuyển hàng nông sản từ thôn ra xã, huyện để bán là như thế nào. Ông Sùng Thìn Lềnh, 58 tuổi, nguyên Trưởng thôn Khủng Cáng cho biết: “Vào thôn giờ nhàn rồi, chứ xưa kia khi chưa mở rộng được mặt đường thì đến một mình một xe máy đi còn khó đấy. Nhất là mùa mưa thì còn khủng khiếp hơn, để chở được một bao quả Hồng không hạt ra đến chợ trung tâm xã thì cũng mất cả buổi. Đấy là đàn ông, còn khối người “đo đường”, ra đến chợ người thì lấm lem bùn, đất; hồng thì bị dập một cơ số quả do ngã không biết bao lần vì đường trơn...”. Đúng vậy, nếu nơi đây có một con đường bê-tông hoàn chỉnh thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm nhanh và đáng kể so với điều kiện tự nhiên, tiềm lực và sự chịu khó của con người nơi đây.
Trên con đường mới mở còn in dấu xích xe máy ủi chạy ngang, dọc qua những mảnh vườn, thửa ruộng của bà con làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: Chương trình NTM chưa tới, kinh phí của xã cũng không thể bỏ ra thuê hẳn máy xúc, máy ủi vào để mở đường cho bà con như này được. Vậy nguồn kinh phí này từ đâu ra!? Như đoán được câu hỏi của chúng tôi, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các anh thấy đấy, có được con đường như vậy là từ sức dân mà ra cả. Phải công nhận đội ngũ cán bộ trẻ của thôn không chỉ có sức trẻ mà còn làm rất tốt việc kế thừa, phát huy kinh nghiệm của những người đi trước trong công tác dân vận. Tất cả chỉ độ tuổi đôi mươi, mới kế nhiệm thế mà nói bà con nghe răm rắp. Với sự chung sức, đồng lòng của 69 hộ nghèo mà thôn Khủng Cáng đã có mặt đường rộng 4 m để chờ nguồn của Chương trình NTM đổ bê-tông...”.
Với khối lượng đất, đá mở đường quá lớn nên bà con không thể tự san ủi nếu không thuê máy ủi, máy múc để mở đường. |
Bí thư Chi bộ thôn Khủng Cáng, Lò Sìn Cáo (sinh 1990); Trưởng thôn Lò Xín Páo (sinh 1987)... Dù còn rất trẻ nhưng chúng tôi cảm nhận được sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm toát lên trên khuôn mặt và ánh mắt và qua những lời tâm sự rất đỗi mộc mạc của vị Bí thư Chi bộ cùng Trưởng thôn trẻ này: “Muốn thôn giàu lên thì phải có đường. “Bài toán” đặt ra là phải mở được con đường, nhưng hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM chưa được triển khai tại thôn thì phải làm sao? Đúng như những điều bọn mình được học qua những buổi họp ngoài xã, huyện và theo đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng; không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nên mình đem câu hỏi này trao đổi với các cụ, những người già có uy tín trong làng cùng bà con để bàn giải pháp. Ban đầu cũng có một số gia đình không đồng thuận nhưng nhờ sự can thiệp, giải đáp của người già nên bà con nghe theo hết...”. Ông Lò Khái Phùng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã tiếp lời: “Có gì đâu, tụi trẻ nó phân tích rõ ràng thế rồi còn gì. Có đường thì có tương lai; buôn, bán, đi lại thuận tiện và nhất là bọn trẻ đến trường, ra xã học sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nên với những hộ chưa “thông” tôi chỉ nói như thế này: “Chúng tao già sắp cắm đầu xuống đất ngủ rồi còn theo, còn làm. Cớ sao tụi trẻ không làm? Làm vì tương lai, vì con, vì cháu cả mà...” thế là nghe theo hết, đồng thuận chung sức cùng làm cả...”. Từ thực tế được biết: Cả thôn có gần 70 hộ, thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm quá 50%, không có hộ khá, giàu nhưng toàn thôn Khủng Cáng đều thống nhất mỗi hộ nộp số tiền hơn 1,2 triệu đồng giao cho Công an viên và Trưởng thôn quản lý, chi trả tiền thuê máy ủi, máy xúc vào mở đường bởi khối lượng đất, đá vượt quá sức dân nên bà con không thể tự làm được. Với sự đồng thuận, nhất trí cao của từng hộ trong thôn; nên dù hộ mất nhiều hay ít diện tích đất vườn, ruộng đều không kêu ca, phàn nàn điều gì. Và đến nay, cơ bản con đường nối liền từ xã vào qua thôn Phín Ủng đến thôn Khủng Cáng cơ bản đã hoàn thiện được mặt bằng rộng từ 2 – 4 m để chờ thời gian tới khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được triển khai mà theo như lời Bí thư Chi bộ thôn Lò Sìn Cáo khẳng định: “Có đường rồi, cả thôn đều đang chờ Chương trình NTM mới triển khai để mọi người lại cùng chung sức, chung lòng làm đường bê-tông theo đúng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm...”.
Với sự đồng thuận của bà con cùng sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ trẻ trong thôn luôn biết lắng nghe, tiếp thu cũng như kế thừa và phát huy những kiến thức của lớp người đi trước theo đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “...Những người phụ trách dân vận cần phải vắt óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc...” thì trong tương lai gần, thôn Khủng Cáng nói riêng và toàn xã Nghĩa Thuận sẽ có sự phát triển bền vững về mọi mặt.
Phi Anh
Ý kiến bạn đọc