Hội nghị Bàn, thống nhất phát triển Mật ong Bạc Hà
BHG- Chiều 25.11, tại huyện Yên Minh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Bàn, thống nhất phát triển Mật ong Bạc Hà. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì. Dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Sở Khoa học và công nghệ, Công an tỉnh, Ban quản lý CVĐCTC CNĐ Đồng Văn; lãnh đạo Huyện ủy, UBND, phòng Nông nghiệp và PTNT lực lượng Quản lý thị trường, Công an 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; đại diện 1 số xã, thị trấn của 4 huyện và các doanh nghiệp, HTX kinh doanh Mật ong Bạc Hà (MOBH) trên địa bàn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến trao đổi với các đại biểu về việc giữ vững thương hiệu, chất lượng sản phẩm Mật ong Bạc Hà. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có 27.862 đàn ong, tăng hơn 8.000 đàn so với năm 2011 (19.318 đàn), tỷ lệ tăng đạt 44,2% và tăng hơn 6.800 đàn so với mục tiêu phát triển đàn ong trong giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh. Sản lượng mật đạt 136,8 tấn, tăng 23,8 tấn so với năm 2011. Trong đó, phát triển chăn nuôi ong tập chung chủ yếu ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh do đây là vùng cây Bạc Hà phát triển mạnh. Với tổng số 19.750 đàn (năm 2015), chiếm 70,9% toàn tỉnh. Sản lượng mật đạt 89,43 tấn, chiếm 65,37% toàn tỉnh. Thương hiệu sản phẩm MOBH được người tiêu dùng và du khách biết đến, đón nhận và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2013. Nghề chăn nuôi ong có nhiều chuyển biến, từ tự phát, nhỏ lẻ chuyển dần sang nuôi tập trung với số lượng lớn. Hình thành nhiều HTX, hộ gia đình nuôi từ 50 đến 100 đàn. Đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm giữ vững thương hiệu MOBH. Đồng thời kiến nghị một số vấn đề về chế tài xử lý đối với những đối tượng, hộ kinh doanh đưa giống ong ngoại và ong lai vào nuôi trên địa bàn 4 huyện vùng cao, ảnh hưởng tới sự phát triển của giống ong địa phương cũng như vi phạm chỉ dẫn địa lý MOBH; có cơ chế chính sách hỗ trợ với các tổ chức, cá nhân phát triển đàn ong địa phương…
Phát biểu tại kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Phát triển chăn nuôi ong lấy mật ở 4 huyện vùng cao là 1 trong 6 sản phẩm tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020. Vì vậy, các huyện cần xác định rõ đây là sản phẩm đặc thù của huyện mình và của tỉnh, giúp nâng cao thu nhập cho người dân; thống nhất 4 huyện chỉ có 1 sản phẩm MOBH duy nhất đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Do đó, đồng chí Nguyễn Minh Tiến đề nghị: Đối với 4 huyện, trước ngày 5.12, yêu cầu trục xuất tất cả các đàn ong ngoại, ong lai ra ngoài địa bàn huyện; phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh, tổ chức đào tạo nghề nuôi ong cho các hộ nuôi ong; hình thành các Tổ sản xuất, Nhóm sở thích, HTX nuôi ong, làm cơ sở, chỗ dựa hướng dẫn chăn nuôi, làm đầu mối thu mua, đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người dân; xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi ong gắn với sản xuất nông nghiệp và du lịch… Đối với các Sở, ngành, sớm đưa ra các giải pháp hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi ong, bao tiêu và quảng bá sản phẩm MOBH; kiểm tra, xử lý quyết liệt hành vi làm giả, hàng giả, hàng nhái, vi phạm chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm MOBH; xây dựng quy trình hướng dẫn, kỹ thuật nhân giống, giữ giống ong đơn giản theo thực tiễn từng địa phương để ban hành cho các huyện; các Trung tâm thông tin Cao nguyên đá Đồng Văn kiên quyết không bày bán các sản phẩm mật ong nào khác ngoài sản phẩm MOBH được đóng gói, nhãn mác theo chỉ dẫn địa lý…
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc