Gian nan xóa đói, giảm nghèo ở Phiêng Luông
BHG- Phiêng Luông là xã vùng cao của huyện Bắc Mê; xã có 4 thôn, 100% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 244 hộ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trụ sở làm việc của xã đều được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cây Tam thất trồng thử nghiệm cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả. |
Nan giải trong xóa đói, giảm nghèo.
Từ nhiều năm nay, thực trạng đói, nghèo ở đây luôn là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương phải trăn trở; nhiều giải pháp để giúp xã giảm nghèo đã được thực hiện, nhưng hầu hết đều chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ghé thăm nơi đây vào thời kỳ giáp hạt, cái đói đang thường trực trong mỗi nếp nhà, chúng tôi càng thấu hiểu hơn những khó khăn trong cuộc sống của bà con. Thôn Phiêng Luông nằm cách UBND xã chỉ chừng 9 km nhưng phải mất 1 giờ đồng hồ đi xe máy mới tới được thôn; giao thông đi lại khó khăn với những đoạn đường lầy lội; những đoạn đá cuội, đá tai mèo lởm chởm; những đứa trẻ với khuôn mặt lem luốc là những gì chúng tôi thấy. Cùng cán bộ Hội Nông dân xã Phiêng Luông, chúng tôi ngược lên những ngọn núi cao để đến với thôn Phiêng Luông. Con đường vào thôn cũng gian nan như chính cuộc sống của bà con người Mông nơi đây. Đặt chân đến thôn, chúng tôi mới thấy hết cái vẻ hoang vắng đìu hiu với những ngôi nhà lụp xụp nằm cheo leo sườn núi. Đây là thôn nghèo, nơi cư trú của 100% đồng bào Mông; thôn có 71 hộ dân với 397 khẩu. Hiện trong thôn có 9 hộ trung bình, 22 hộ cận nghèo và 40 hộ nghèo; trên 90% hộ dân ở đây vẫn luẩn quẩn trong đói, nghèo. Xét về mặt bằng chung, thôn Phiêng Luông vẫn có mức sống khá hơn thôn Phiêng Đáy, Tá Tò, Cụm Nhùng. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân vẫn chỉ làm kinh tế manh mún, phụ thuộc vào khai thác các sản phẩm từ rừng.
Mặc dù hằng năm, các hộ nghèo ở đây vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước như: Hỗ trợ về nhà ở, vốn, giống cây trồng, vật nuôi; bà con ở đây cũng thường xuyên được định hướng, hướng dẫn và tuyên truyền, vận động để phát triển kinh tế... nhưng do trình độ dân trí thấp, sự ỷ lại vào Nhà nước đầu tư hỗ trợ đã thấm sâu vào tư tưởng của bà con dân tộc nơi đây. Do đó, việc tiếp thu kiến thức mới để áp dụng vào phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, đời sống của bà con ở đây vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy. Việc chăn nuôi thì manh mún, sản phẩm trở thành hàng hóa còn hiếm và thu nhập không đáng kể. Bởi vậy, việc giảm nghèo không phải là bài toán dễ tìm được lời giải. Anh Cử Nhìa Phứ, Trưởng thôn Phiêng Luông, chia sẻ: “Để người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, mong rằng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, bà con tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng sắn, ngô, đậu tương và cấy lúa nương phát triển kinh tế.”
Sản vật trên rừng là nguồn thức ăn chính.
Như nhiều phụ nữ ở thôn, ngày nào cũng vậy, bà Thào Thị Vừ đều phải đi tìm những thực phẩm trên rừng hoặc quanh nhà sẵn có để làm thức ăn. Bởi với gia đình bà, rất hiếm khi có tiền để xuống chợ hay ra hàng quán để mua thức ăn. Ở đây, đất trồng lúa rất ít, chủ yếu đất để trồng ngô mà cũng không nhiều, ngô cũng chỉ trồng được một vụ nên nhiều nhà đều thiếu đói lúc giáp hạt, cái nghèo luôn đeo đẳng. Nếu không thay đổi cây trồng thì khó thoát nghèo bền vững, vì đất sản xuất ít, mỗi năm lại bạc màu thêm, nên năng suất kém đi.
Nói về công tác XĐGN tại xã Phiêng Luông, ông Nguyễn Thanh Chiển, Chủ tịch UBND xã Phiêng Luông cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm tới việc XĐGN, cải thiện đời sống của bà con; các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho người DTTS, người nghèo đều được triển khai đầy đủ. Tuy nhiên, việc XĐGN đang là “bài toán khó” tại đây bởi trình độ dân trí thấp, đường sá đi lại khó khăn, việc tiếp cận tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất ngô, lúa của bà con rất hạn chế; các chính sách dân tộc hỗ trợ bà con chưa phát huy được hiệu quả. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm trên 52%, số hộ nghèo là 125/244 hộ, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5.700.000 đồng/người/năm.
Điều trăn trở của chúng tôi về chặng đường thoát nghèo vẫn còn nhiều bộn bề ở phía trước. Song, để giúp bà con người DTTS ở Phiêng Luông thoát nghèo và thoát nghèo bền vững; thiết nghĩ ngoài việc hỗ trợ về giống, vốn thì cần có sự tư vấn, hướng dẫn cho bà con theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”; tăng cường cán bộ Khuyến nông xuống để hỗ trợ kỹ thuật về cách gieo trồng, chăn nuôi các loại cây, con phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng; xây dựng hệ thống thủy lợi; giúp bà con sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay; đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ của bà con mới mong thực hiện được mục tiêu này. Tin rằng một ngày không xa, vùng cao Phiêng Luông sẽ vươn lên thoát nghèo.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc