Chuyện giữ rừng ở Tân sơn
BHG- Tân Sơn là một trong những thôn có diện tích rừng thuộc khu vực rừng đặc dụng Phong Quang nhiều nhất của xã Minh Tân (Vị Xuyên). Trong rừng có nhiều cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Hầu hết người dân đều lao động, sinh sống trong khu vực này; do đo, những năm trước đây, việc xâm hại đến rừng là không tránh khỏi. Trước những diễn biến phức tạp của hành vi khai thác rừng, vận chuyển gỗ trái phép thường xuyên xảy ra, Đảng ủy, UBND xã Minh Tân đã chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp từ vận động, tuyên truyền đến xử lý nghiêm túc các vụ vi phạm Lâm luật xảy ra trên địa bàn. Qua đó, rừng ở Tân Sơn đã được chăm sóc, bảo vệ có hiệu quả; người dân đã nâng cao nhận thức về lợi ích từ rừng cũng như trách nhiệm trong việc giữ rừng.
Một góc rừng đặc dụng Phong Quang trên địa bàn thôn Tân Sơn. |
Có thể nói, trong công tác tuyên truyền, vận động giữ rừng không gì hiệu quả bằng việc người dân trong thôn tự tuyên truyền cho nhau, cùng nhau nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng. “Rừng đổ xuống nhưng tiền không về đến nhà đâu”. “Có người bán trâu, mua xe máy để trở gỗ trái phép bị phát hiện, bị lực lượng chức năng truy đổi sẽ dễ gây tai nạn, hoặc bỏ xe để tẩu thoát, thế là mất xe”. “Cây cổ thụ cũng như bố mẹ già trong nhà cần được chăm nom, săn sóc cẩn thận. Cây ngã xuống cũng như bố mẹ ngã xuống. Đau lòng lắm”... Đó là những lời chia sẻ mộc mạc của Trưởng thôn Tẩn Tờ Dèn nhưng sâu sắc, dễ hiểu, dễ cảm, giúp người dân trong thôn nhận thức rõ ràng hơn về giá trị của rừng. Toàn thôn Tân Sơn có tổng số 325,8 ha rừng đặc dụng, 114,8 ha rừng trồng. Những năm qua, cùng với việc trồng rừng mới, nâng cao diện tích rừng trồng thì diện tích rừng đặc dụng của thôn đã được bảo vệ rất tốt, hạn chế đến mức tối đa hiện tượng khai thác, vận chuyển, săn bắt thú rừng và các hành vi xâm hại rừng. Mặc dù là thôn có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao 123 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo trên tổng số 228 hộ trong thôn. Nhưng không vì thế mà bà con vì lợi ích trước mắt có những hành động xâm hại rừng để sinh sống. Với công tác tuyên truyên, vận động sâu sát của xã, của thôn, người dân Tân Sơn đã từng bước tiếp cận các tiến bộ khoa học trong lao động sản xuất, xác định những cây trồng, vật nuôi hiệu quả, có giá trị để nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống sinh hoạt. Bên cạnh đó, bà con còn được Kiểm lâm huyện, lãnh đạo xã và Trưởng thôn truyền đạt các nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng, cũng như đưa ra những hậu quả, nguy hại khi con người chặt phá, hủy hoại rừng. Các hộ trong thôn đã ký cam kết với thôn, xã, Hạt Kiểm lâm huyện những nội dung như: Không phát nương, làm rẫy trái phép; khai thác rừng, chặt phá rừng, đào bới rừng, hủy hoại tài nguyên rừng trái với quy định của Nhà nước. Việc khai thác gỗ và lâm sản đối với các khu rừng có chủ, rừng cộng đồng, rừng do chính quyền quản lý đều phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tuyệt đối không đốt lửa trong rừng, đốt lửa để săn bắt động vật rừng. Khi xảy ra cháy rừng có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền và tham gia chữa cháy kịp thời. Chăn thả gia súc đúng nơi quy định, không thả rông gia súc phá hoại sản xuất, rừng mới trồng, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Khi phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng có trách nhiệm tố giác, báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng để xử lý...
Cũng trong công tác vận động, tuyên truyền, UBND xã Minh tân đã phối hợp với nhóm tín ngưỡng của Hội Nghệ nhân dân gian xã đã lập miếu thờ thần rừng tại thôn Tân Sơn. Lễ “Cúng thờ thần Rừng” được tổ chức thể hiện sự thành kính của nhân dân dâng lên với thần Rừng, cầu cho rừng luôn luôn xanh tốt chở che con người. Cũng là để bà con nhân dân tin rằng mỗi cây gỗ quý lâu năm đều có thần linh bảo vệ nên không được phép chặt phá. Miếu thờ được sử dụng tổ chức cúng rừng vào những ngày lễ, ngày rằm để cầu mong thần rừng ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt; rừng không bị tàn phá, môi trường sinh thái trong lành. Song song với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc bảo vệ rừng, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng như Công an viên, dân quân, Kiểm lâm được tổ chức thường xuyên, liên tục kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi chặt phá, khai thác rừng trái phép. Các lực lượng đã phối hợp với nhau với người dân một cách chặt chẽ nên đã phát hiện xử lý nhiều vụ liên quan đến xâm hại rừng trên địa bàn của thôn.
Màu xanh của rừng Tân Sơn sẽ ngày càng được mở rộng do ý thức cộng đồng người dân nơi đây đã được nâng lên rất nhiều. Việc người dân tự ý chặt phá rừng đã không còn, nếu có thì rất ít thuộc những thành phần bất hảo nơi khác đến (những đối tượng này cũng đã được người dân và lực lượng chức năng theo dõi, ngăn chặn khi phát hiện có hành vi xâm hại rừng). Rừng được giữ cũng đồng nghĩa với việc môi trường thiên nhiên được bảo vệ, tạo nên những giá trị to lớn, lâu dài cho sự phát triển bền vững không chỉ riêng cho thôn Tân Sơn mà cả các thôn khác của xã Minh Tân.
An Dương
Ý kiến bạn đọc