Yên Minh quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững
BHG- Trồng rừng, phát triển kinh tế từ rừng, nâng độ che phủ rừng là chủ trương, chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 và được chỉ đạo thực hiện quyết liệt ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên, khó khăn, hạn chế khách quan nên việc triển khai vận động nhân dân mở rộng diện tích rừng và phát triển kinh tế từ rừng của huyện Yên Minh trong những năm qua chưa cao. Hiện nay Yên Minh mới có độ che phủ rừng đạt 35,6%, thấp hơn nhiều so với mật độ che phủ rừng chung của tỉnh. Để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020 nâng mức che phủ lên 39%, người dân có thu nhập từ rừng trồng, phát triển ngành nghề chế biến lâm sản, tạo đầu ra lâm sản, tạo chuỗi giá trị sản phẩm lâm sản khép kín ngay trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Nguyễn Văn Khu khẳng định trong thời gian tới sẽ có những cơ chế khuyến khích trồng rừng và định hướng phát triển lâu dài, bền vững kinh tế rừng.
Người dân xã Lao Và Chải tích cực trồng rừng sản xuất từ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện. |
Theo thống kê, báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Minh, thời điểm những năm 2010 trở về trước, diện tích rừng sản xuất tập trung do người dân tự gieo trồng để phát triển kinh tế không hề có. Nhân dân chủ yếu trồng một số cây phân tán như: Thông, sa mộc, xoan trong vườn nhà để tận dụng diện tích đất trống, lấy củi và đóng đồ dùng trong gia đình. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh nhằm hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tính từ năm 2010 đến giữa tháng 8.2015, các cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh đã chỉ đạo, vận động, hỗ trợ nhân dân trồng rừng lâm nghiệp xã hội (hay còn gọi là rừng sản xuất, rừng kinh tế bao gồm trồng tập trung và phân tán) được trên 4.000 ha. Trong khi đó, diện tích rừng sản xuất ở các huyện vùng thấp như Vị Xuyên, Bắc Mê theo chỉ tiêu của tỉnh chỉ tính riêng năm 2015 đã trên 7.000 ha, chưa kể số diện tích đã trồng từ những năm trước. Hơn nữa, diện tích rừng sản xuất của Yên Minh phải từ 3 đến 5 năm nữa mới đến tuổi thu hoạch. Trên địa bàn huyện cũng chưa hề có cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, xưởng bóc ván gỗ như ở các huyện khác. Qua đó có thể thấy việc trồng rừng kinh tế ở Yên Minh chưa được chú trọng và chưa đem lại giá trị cho người dân.
Trao đổi về thực trạng phát triển kinh tế rừng với lãnh đạo huyện Yên Minh, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: Với điều kiện Yên Minh là huyện vùng cao, cách thành phố Hà Giang – trung tâm hành chính của tỉnh 100 km, đường giao thông đi lại khó khăn, việc vận chuyển trao đổi, buôn bán gặp khó khăn do giá thành cao, không cạnh tranh được với các huyện vùng thấp. Trong đó không loại trừ sản phẩm gỗ. Hơn nữa, diện tích núi đất của huyện cũng không nhiều và điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, tuổi thu hoạch rừng trồng thường cao hơn các địa phương khác. Do đó nhân dân không mặn mà trồng rừng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, từ trước năm 2010, tỉnh cũng không giao chỉ tiêu trồng rừng nên huyện không đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm. Phát triển kinh tế rừng cũng là điều trăn trở của huyện.
Theo thống kê năm 2012, toàn huyện Yên Minh có 53.414,2 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, đất rừng đặc dụng là 2.759,5 ha; rừng phòng hộ là 35.550,4 ha; rừng sản xuất là 15.104,3 ha. Trong tổng diện tích này, đất rừng sản xuất của người dân Yên Minh vẫn còn trên dưới 10.000 ha và khá nhiều diện tích trong đó đang bị bỏ không. Bên cạnh đó, ngoài diện tích đất rừng lâm nghiệp đã thống kê và diện tích đất gieo trồng, sản xuất nông nghiệp, vẫn còn hàng trăm nghìn ha đất trống mà nếu tận dụng, người dân Yên Minh có thể trồng các loại cây phân tán để khai thác gỗ và có thêm thu nhập. Hơn nữa, với hơn 35 nghìn ha đất rừng phòng hộ, nếu phủ xanh diện tích này, người dân Yên Minh có thể phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng việc trồng thảo quả. Một loại cây dược liệu đem lại giá trị kinh tế cao, đã được khẳng định ở nhiều địa phương và một số xã của Yên Minh. Bên cạnh đó, việc trồng rừng góp phần không nhỏ trong phòng chống tác hại của biến đổi khí hậu, thiên tai.
Từ những giá trị kinh tế, xã hội của việc trồng rừng, hy vọng trong những năm tới, ngoài các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện Yên Minh sẽ đưa ra một số cơ chế khuyến khích, hỗ trợ mở các xưởng chế biến gỗ rừng sản xuất; cơ chế vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ từ rừng trồng. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí, cây giống để người dân mở rộng diện tích các loại rừng sản xuất; thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng để khuyến khích người dân... hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế rừng như khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Nguyễn Văn Khu.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc