Xu hướng phát triển từ bách hóa đến siêu thị mi-ni ở Bắc Quang
BHG- Những năm gần đây, hệ thống cửa hàng bách hóa, siêu thị mi-ni ở huyện Bắc Quang xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giá cả, cũng như chất lượng sản phẩm. Xu hướng phát triển này cũng đã góp phần vào chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua của ngành Công thương.
Khách mua hàng tại Siêu thị Tuyến Trang (thị trấn Việt Quang, Bắc Quang). |
Bắc Quang là huyện cửa ngõ của tỉnh với 23 đơn vị hành chính (2 thị trấn, 21 xã), 236 thôn, tổ dân phố. Huyện có địa bàn rộng, dân số đông, nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân được xếp vào mức cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Năm 2015, tỷ trọng dịch vụ Bắc Quang chiếm 36,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,34 triệu đồng/người/năm, tăng 14,3 triệu đồng so với năm 2010. Từ phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ của huyện đã góp phần đổi mới về hình thức phục vụ, đa dạng chủng loại hàng hoá đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong toàn huyện. Các cơ sở nhà hàng, khách sạn, siêu thị gia đình trên địa bàn huyện ngày một phát triển, các khu vui chơi giải trí, điểm tham quan du lịch sinh thái dần được hình thành.
Trong vài năm trở lại đây, các khu vực trung tâm xã, thị trấn ở Bắc Quang xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng bách hóa, siêu thị mi-ni. Khi đời sống, thu nhập được cải thiện, người dân ở những vùng nông thôn không chỉ quan tâm tới giá cả hàng hóa mà còn đặc biệt chú ý tới chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Đây chính là điều kiện để các siêu thị mi-ni ra đời. Đến nay, tất cả 21 xã đều đã có chợ phiên, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi hàng hoá của nhân dân. Điển hình là các chợ Phố Cáo, xã Đồng Yên; chợ Hùng An, chợ trung tâm thị trấn Việt Quang, chợ xã Liên Hiệp, Quang Minh, Siêu thị Hải Lan, Siêu thị Tuyến Trang... Theo thống kê ở các xã, thị trấn, chỉ tính riêng trên địa bàn thị trấn Việt Quang khu trung tâm huyện đã có khoảng 3 siêu thị gia đình mini, 1 siêu thị điện máy gia đình, 8 cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm.
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ Siêu thị Hải Lan (tổ 4, Thị trấn Việt Quang, Bắc Quang) cho biết: “Xuất phát điểm ban đầu là cửa hàng sách tự chọn đến văn phòng phẩm của huyện từ năm 1998. Bản thân tôi đã đi tham quan nhiều nơi, thấy việc mở siêu thị phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo nhiều lợi thế cho chủ cửa hàng và nhân dân. Nên năm 2008, gia đình tôi quyết định chuyển sang hình thức kinh doanh là mô hình siêu thị. Gia đình đã đầu tư 2 tầng nhà làm siêu thị, với diện tích mỗi tầng hơn 700 m2. Giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, với việc thuê hàng chục nhân viên được hưởng chế độ đầy đủ của người lao động. Hiện tại siêu thị chúng tôi có các mặt hàng phong phú nhất huyện, buôn bán thuận lợi, lượng khách hàng đông nhất là các ngày nghỉ”.
Theo tìm hiểu được biết, Siêu thị Hải Lan có trên 500 mặt hàng, trong đó có tới 80% là hàng Việt, giá cả ổn định, rẻ hơn ngoài thị trường. Cụ thể 1 chai dầu ăn Cái Lân loại 1 lít ngoài thị trường 32.000 đồng còn siêu thị giá 30.000 đồng; 1kg đường bán lẻ ngoài thị trường là 18.000 đồng, trong siêu thị có giá 17.000 đồng... Chị Đặng Vân Anh ở xã Quang Minh (Bắc Quang) cho biết: “Mua hàng trong siêu thị mi-ni tiện lợi, chọn sẵn được nhiều loại hàng, không phải đi xa nhiều, giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo hơn bên ngoài thị trường”.
Theo anh Nguyễn Song Toàn, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Bắc Quang cho biết: “Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng thương mại – dịch vụ tại khu vực nông thôn, miền núi ở Bắc Quang được quan tâm phát triển, người dân được tiếp cận hàng hóa nói chung và hàng Việt Nam đa dạng hơn. Với sự xuất hiện của các bách hóa, siêu thị đã giúp nhân dân dễ lựa chọn hơn, có điều kiện mua sắm hàng trong nước sản xuất đúng giá, không cần mặc cả, bảo đảm chất lượng và việc thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn thuận lợi hơn. Đây là xu hướng tốt, cần phát huy. Cùng với đó, Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp cần kết hợp với nhau, tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, giải quyết nguồn hàng tại chỗ cho các cửa hàng, siêu thị mi-ni”.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc