Đồng Văn đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu
BHG- Với 54,6 km đường biên giới, trong đó có cửa khẩu Phó Bảng thông thương với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); huyện Đồng Văn được đánh giá có lợi thế trong phát triển kinh tế biên mậu. Xác định rõ lợi thế đó, thời gian qua Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đồng Văn đã phối hợp với các cấp, các ngành chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống các chợ vùng biên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động... góp phần thiết thực cho phát triển kinh tế biên mậu.
Đến huyện Đồng Văn ngày nay, có thể thấy mạng lưới giao thông trọng yếu được chú trọng chỉnh trang, đảm bảo thông suốt, bến xe mới của huyện đã được đưa vào sử dụng; các công trình xây dựng mới được đẩy mạnh thi công, công tác quản lí đô thị được siết chặt... Từ sự đầu tư thiết thực, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức lưu thông hàng hóa đạt trên 29,2 tỷ đồng. Hoạt động lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu, một số lối mòn sôi động và phong phú; tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu, trao đổi của cư dân biên giới đạt trên 10 triệu USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước).
Lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện thăm HTX rượu Thiên Hương. |
Hiện tại, huyện Đồng Văn có 6 chợ phiên biên giới đang hoạt động. Để đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân, huyện đã hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thành lập Ban quản lý chợ trong đó có nhiệm vụ sắp xếp, quy hoạch các gian hàng, đảm bảo an toàn giao thông trong phiên chợ; ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bằng cách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ, sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ và du lịch, cơ sở lưu trú phục vụ - du lịch... Cùng với đó, Phòng Kinh tế và hạ tầng đã phối hợp với Công an huyện, Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, với Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được huyện phối hợp với Sở Công thương tổ chức thông qua các phiên chợ “đưa hàng Việt về biên giới” đã thu hút được đông đảo khách hàng, đó chính là cầu nối giữa các doanh nghiệp, HTX với người tiêu dùng và tạo ra sức cạnh tranh với các mặt hàng trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, công tác khuyến công, xúc tiến thương mại được quan tâm; huyện đã tham gia 3 hội chợ tại thành phố Hà Giang, tỉnh Phú Thọ và Hà Nội nhằm giới thiệu sản phẩm của địa phương; tổ chức Lễ hội khèn Mông lần thứ 3; thúc đẩy HTX sản xuất bánh, kẹo, rượu Tam giác mạch được người dân, du khách ưa chuộng; đồng thời đầu tư 3 máy khâu công nghiệp, 8 khung dệt vải lanh và sản xuất đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch; hoàn thành các chương trình hỗ trợ như: Xét tặng danh hiệu nghệ nhân ở xã Sủng Là, Sảng Tủng, Hố Quáng Phìn; xây dựng hồ sơ công nhận Làng nghề sản xuất hương nhang ở xã Sảng Tủng, Làng nghề đúc lưỡi cày ở xã Tả Lủng... Ngoài ra, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng được huyện chú trọng quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.
Chợ phiên xã Phố Cáo được duy trì mỗi tuần 1 lần. |
Từ sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực công thương, nền kinh tế huyện Đồng Văn đang có những bước chuyển mình mãnh mẽ. Nói tới phương hướng trong thời gian tới, đồng chí Sùng Mí Sèo, Phó trưởng Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Đồng Văn cho biết: Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tham gia giới thiệu sản phẩm địa phương tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại; tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành đầu tư, tu sửa cơ sở hạ tầng; phối hợp với ngành chức năng thực hiện tốt quản lý và chỉnh trang đô thị. Về thương mại sẽ tăng cường công tác chỉ đạo đối với việc kiểm soát, lưu thông hàng hóa; quản lý tốt các chợ biên giới. Đặc biệt, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới...
MẠNH TƯỜNG
Ý kiến bạn đọc