Hiệu quả từ mô hình cam VietGAP ở Yên Hà
BHG- Yên Hà là xã có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP trên đất Quang Bình. Hiện nay, cây cam được xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Sản phẩm cam VietGAP của địa phương đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Vườn cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Đặng Ngọc Long ở thôn Xuân Phú phát triển tốt và đang bói quả. |
Những năm gần đây, diện tích trồng cam của xã Yên Hà không ngừng tăng lên, từ 75 ha (năm 2012) lên đến 214 ha (năm 2015). Cán bộ khuyến nông xã cho hay: Cây cam được trồng trên đất Yên Hà từ những năm 1970. Người dân trồng và chăm sóc cây đa phần dựa vào kinh nghiệm, do đó năng suất, chất lượng của sản phẩm không cao, hiệu quả kinh tế thấp, bình quân mỗi ha cam chỉ cho năng suất 55 – 60 tạ/ha, giá thành sản phẩm khoảng 5 – 8 nghìn đồng/kg. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cây cam, năm 2013 xã Yên Hà đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện mô hình “Tổ sản xuất cam VietGap” với 11 hộ tại hai thôn Xuân Phú và Xuân Hà tham gia, diện tích thực hiện là 8 ha, tổ được hỗ trợ 38 cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn để lấy mắt ghép, cành chiết. Trung bình mỗi hộ tham gia đều có diện tích cam từ 0,5 ha trở lên.
Trong quá trình thực hiện, các hộ dân chăm sóc cây cam theo quy trình VietGAP từ cắt tỉa cành, tạo tán, chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh và ghi chép, đánh giá nội bộ đúng tiêu chuẩn, do đó cam phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và đảm bảo an toàn (do hạn chế tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư). Mặc dù bước đầu thực hiện người dân gặp không ít khó khăn do phải thay đổi cách thức sản xuất song với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện, mô hình đã cho thấy hiệu quả và đang được mở rộng. Đến nay, tổng diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là 19,6 ha, năng suất cam tăng từ 15 – 20%, giá thu mua sản phẩm khoảng 20 – 25 nghìn đồng/kg. Tham gia mô hình, các hộ dân thường xuyên được cán bộ nông nghiệp tỉnh, huyện, xã đến tận nơi hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật, cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cam theo đúng tiêu chuẩn nên diện tích vườn cam của các hộ phát triển rất tốt và cho nhiều quả, ước tính năng suất đạt từ 12 tấn trở lên.Anh Đặng Ngọc Long, một hộ tham gia Tổ sản xuất cam VietGAP ở thôn Xuân Phú phấn khởi chia sẻ với phóng viên: “Hiện nay, gia đình tôi có 4 ha đất trồng cam với gần 2.000 gốc.
Tham gia tổ sản xuất, gia đình tôi được hỗ trợ giống, phân bón và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên quy trình trồng và chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Cây cam được chăm sóc đúng kỹ thuật cho quả đều, màu vàng sậm, vị ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do sử dụng các loại thuốc sinh học theo quy chuẩn. Năng suất ổn định 30 – 40 tấn/vụ, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Đánh giá về kết quả thực hiện mô hình tổ sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Hồ Sỹ Ngật, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hà cho biết: Mô hình được bà con nhân dân ủng hộ; công tác triển khai, tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ và cho thấy kết quả thực tế tại địa phương; sản phẩm cam Yên Hà có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành ổn định và dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Các hộ phát triển mô hình cam VietGAP có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm đang ngày càng nhiều thêm, thu nhập bình quân tính đến 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 18,5 triệu đồng/người. Có thể khẳng định đây là hướng phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững cho kinh tế địa phương.
VŨ YẾN
Ý kiến bạn đọc