Hiệu quả phương pháp xen canh cây trồng ở Thắng Mố
BHG - Là xã biên giới, với điều kiện tự nhiên thiếu đất, thiếu nước và khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; diện tích đất sản xuất ít và khó có thể mở rộng thêm... là những khó khăn mà người dân xã Thắng Mố (Yên Minh) phải đối mặt nhiều năm nay. Khắc phục những khó khăn của tự nhiên, 3 năm trở lại đây, người dân Thắng Mố đã phát huy hiệu quả phương pháp trồng xen canh cây trồng để tăng hệ số sử dụng đất và giá trị kinh tế trên cùng diện tích.
Anh Chảo Lá Sơ cùng vợ chăm sóc cây đỗ đũa. |
Đến Thắng Mố vào thời điểm này, là lúc người dân nơi đây đang thu hoạch ngô. Trên những nương ngô, chúng tôi thấy dù cây ngô đã vàng thân, lá; bắp ngô đã được thu hoạch nhưng người dân không chặt cây ngô mang về để làm củi đun như những năm trước. Những nương ngô ở Thắng Mố mùa này cũng có sự khác biệt với các địa phương khác. Hầu như không thể nhìn thấy cỏ trên đất trồng ngô mà thay vào đó là màu xanh của đậu tương và các loại rau, đậu. Chủ tịch UBND xã Thắng Mố, Nguyễn Văn Việt cho biết: “3 năm qua, nhận thấy thời tiết phù hợp với 1 số loại rau, đậu nên người dân nơi đây đã tích cực trồng xen canh cùng các loại cây trồng khác như ngô, đậu tương để tăng hệ số sử dụng đất và thu nhập”. Anh Việt cho biết thêm, khi cây ngô ra bắp và dần chắc hạt, người dân sẽ rẫy hết cỏ và bắt đầu trồng xen canh cây trồng khác vào. Hiện tại loại cây được người dân trồng xen canh nhiều nhất là cây đỗ đũa. Bởi khi thu hoạch ngô xong, thân cây ngô sẽ trở thành giàn cho cây đỗ leo. Vì vậy, chỉ khi nào hết mùa đỗ người dân mới thu cây ngô về đun.
Theo tìm hiểu, phương pháp trồng xen canh các loại cây ở Thắng Mố được người dân thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, mục đích đơn thuần của việc trồng xen canh chủ yếu là để có thêm rau xanh, thức ăn cho gia đình. Ngoài cây đỗ đũa, cây bí đỏ cũng được trồng xen với cây ngô bởi loại cây này dễ trồng và không mất công chăm sóc, giá trị kinh tế cũng không cao. Tuy nhiên cây đỗ đũa vẫn được người dân trồng nhiều nhất vì giá trị kinh tế của nó cao hơn so với cây bí đỏ và một số loại rau, đậu khác. Anh Chảo Lá Sơ, thôn Sủa Chải khẳng định: Năm 2014, gia đình tôi, trồng đỗ đũa xen canh với cây ngô trên diện tích khoảng 400m2. Cây đỗ có thể trồng được 2 vụ trong năm và rất sai quả, giá thành lại cao. Trung bình từ khoảng 15 – 20 nghìn đồng/kg. Vào những tháng trái mùa giá có thể lên tới 30 nghìn đồng/kg. Hơn hết là quả đỗ đũa bán rất chạy, nhiều lúc không có để bán. Năm ngoái chỉ với bằng đó diện tích trồng đỗ mà gia đình tôi cũng bán được hơn 4 triệu đồng. Trong thôn, xã có hộ trồng nhiều còn bán được gần 10 triệu đồng.
Hiện nay, diện tích gieo trồng cây hàng năm của xã Thắng Mố chỉ có chưa đến 1.000 ha. Trong đó 2 loại cây trồng chính là ngô và đậu tương có diện tích gieo trồng trong năm 2015 lần lượt là 285 ha và 259 ha và phần lớn chỉ gieo trồng được 1 vụ. Trình độ nhận thức của người dân và công tác chăm sóc cây trồng không được quan tâm nhiều do vậy năng suất, sản lượng lương thực trên địa bàn xã cũng không cao... tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn chiếm trên 40%. Việc người dân Thắng Mố đẩy mạnh xen canh các loại cây trồng và cho thu nhập khá như vậy có thể từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, chăm sóc cây trồng. Từ đó tăng hệ số sử dụng đất, năng suất, sản lượng và thu nhập, từng bước thoát khỏi đói nghèo.
Được biết, diện tích gieo trồng các loại rau đậu xen canh trên địa bàn xã Thắng Mố những năm qua liên tục tăng và dần chuyển sang thâm canh. Cây đỗ đũa đang được người dân Thắng Mố trồng 2 vụ từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 7 đến tháng 10. Một số hộ dân còn trồng trái vụ để có được giá thành cao hơn. Năm 2014, diện tích gieo trồng rau, đậu của xã trên 159 ha, trong đó đỗ đũa gần 30 ha. 7 tháng đầu năm 2015, diện tích đỗ đũa trồng xen canh của xã đạt trên 32 ha và sẽ còn tăng khi đến vụ thứ 2 vào tháng 10.
Lương Hà
Ý kiến bạn đọc