Mô hình trồng rau an toàn ở xã Tả Nhìu
BHG- Nằm cách trung tâm huyện Xín Mần hơn 8km nên xã Tả Nhìu có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thương, thúc đẩy phát triển KT – XH. Năm 2013, chính quyền xã vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau hàng hóa.
Chị Hoàng Thị Nam, thôn Tân Sơn chăm sóc vườn rau của gia đình. |
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tả Nhìu cho biết: “Hiện nay toàn xã có 5 thôn thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng rau với tổng diện tích khoảng 10ha. Chủ yếu là các thôn ở vùng thấp, giáp với thị trấn Cốc Pài, thuận tiện cho việc buôn bán, vận chuyển rau. Thu nhập từ trồng rau cao hơn hẳn so với trước đây khiến người dân thay đổi nhiều trong cách nghĩ và cách làm. Ngày càng có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với sản xuất nông nghiệp của xã”.
Trên địa bàn xã có một HTX sản xuất rau an toàn (RAT) đó là HTX Tân Sơn được thành lập từ năm 2013 với 19 hộ của thôn Tân Sơn tham gia trên tổng diện tích hơn 1ha. Các hộ được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ một phần giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng RAT. Đến thăm ruộng rau của chị Hoàng Thị Nam - một trong những hộ tham gia HTX sản xuất RAT Tân Sơn, chị chia sẻ: “Trước đây, trên diện tích đất này, gia đình tôi trồng lúa một vụ nhưng hiệu quả không cao. Từ khi chuyển sang trồng rau, tôi thấy hiệu quả cao hơn hẳn. Mùa nào thức nấy, gia đình tôi trồng rau quanh năm để bán, mỗi ngày thu nhập cũng được gần 200 nghìn đồng”. Từ một vùng đất khô cằn, chỉ trồng lúa một vụ, giờ chị Nam đã biến nó thành một ruộng rau xanh tốt quanh năm, đem lại thu nhập đáng kể. Từ những luống rau ấy gia đình chị sẽ có thêm thu nhập để chăm lo cho các con khi mùa khai trường đang đến gần.
Ông Ly Kháy Phùng, Chủ nhiệm HTX Tân Sơn, cho biết: “Bình quân mỗi hộ trồng rau cho thu nhập từ 100 – 200.000 đồng/ngày. So với trồng lúa một vụ trước đây thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Tuy nhiên, hiện nay bà con vẫn chỉ sản xuất manh mún với các loại rau truyền thống như: Rau cải, rau bí, đỗ, ớt, rau thơm các loại... Chưa trồng được những loại rau trái vụ hiệu quả cao để cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, nguồn nước tưới cũng là khó khăn không nhỏ đối với các hộ trồng rau ở Tả Nhìu. Hơn nữa đầu ra cho sản phẩm của người nông dân vẫn chưa ổn định. Các hộ chủ yếu tự đem bán nhỏ lẻ ở chợ huyện nên thu nhập không ổn định và ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm”.
Để hình thành vùng chuyên canh RAT, cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển RAT hàng năm, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật trồng RAT cho các hộ tham gia, áp dụng thêm nhiều giống mới cho năng suất và chất lượng cao, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho người trồng rau. Thành lập các nhóm, HTX chuyên trồng rau để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường; gắn kết chặt chẽ “4 nhà” để hướng đến một sản xuất nông nghiệp bền vững.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc