CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀNH TÀI CHÍNH VIỆT NAM (28.8.1945 - 2015)
Hiện đại hóa ngành Hải quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
BHG- Hải quan Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những cơ quan đi đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa (HĐH) ; các thủ tục và chế độ quản lý hải quan đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; thủ tục hải quan (TTHQ) chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro một cách hệ thống trong các khâu nghiệp vụ hải quan - ông Lê Ngọc Hiệu, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Giang chia sẻ!
Cán bộ Chi cục HQCK Quốc tế Thanh Thủy kiểm tra thực tế hàng hóa tại khu vực cửa khẩu. |
Trong thực hiện nhiệm vụ, CNTT được ứng dụng vào hầu hết các khâu của quy trình nghiệp vụ Hải quan nên đã tạo hiệu quả tích cực. Đến nay, CNTT được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong quá trình làm TTHQ với 100% TTHQ được tự động hóa, 100% Chi cục Hải quan thực hiện TTHQ điện tử với trên 90% DN tham gia. Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin, ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN. Ở lĩnh vực thanh toán thuế, việc thu nộp thuế XNK được thực hiện tự động hóa thông qua trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và các Ngân hàng thương mại. Hiện tại, 100% Chi cục Hải quan thực hiện thanh toán điện tử, giúp DN thanh toán tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, thời gian nộp thuế từ 1 - 2 ngày, có trường hợp mất 5 ngày, nay chỉ còn 3 phút; hạn chế tình trạng cưỡng chế, xét ân hạn nhầm, ảnh hưởng đến quyền lợi DN.Nhìn lại quá trình thực hiện HĐH cho thấy, 5 năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Hải quan Hà Giang có bước nhảy vọt và quyết định đến thành công tiến trình cải cách TTHC. Giai đoạn này, cũng đánh dấu một bước phát triển mới; Hải quan Hà Giang đã tiếp nhận, vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Hệ thống VNACCS/VCIS không chỉ thúc đẩy cải cách, HĐH Hải quan, còn là động lực CCHC của các bộ, ngành liên quan và kết nối với các nền kinh tế trong khu vực, thế giới.
Trong lĩnh vực giám sát, quản lý Nhà nước về Hải quan, đã triển khai thực hiện các hệ thống CNTT phục vụ theo từng chế độ, loại hình nghiệp vụ như quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan... tạo môi trường điện tử, cho phép doanh nghiệp khai báo thông tin về đối tượng hàng hóa chịu sự quản lý, giúp cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý, theo dõi tình hình thực hiện TTHQ của DN, quản lý các số liệu đầy đủ, kịp thời. Đối với lĩnh vực quản lý thu thuế XNK, ngành Hải quan đã triển khai trên phạm vi toàn quốc hệ thống Kế toán thuế XNK và Quản lý thông tin giá tính thuế đã giúp nâng cao hiệu quả công tác kế toán, xác định trị giá hàng hóa của các cơ quan Hải quan.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã đưa vào áp dụng các hệ thống CNTT phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Hệ thống KTSTQ cho phép thực hiện tổng hợp thông tin, đánh giá sự tuân thủ của DN, lập danh sách các DN cần KTSTQ, cập nhật kết quả KTSTQ, cung cấp thông tin cho hệ thống quản lý rủi ro để phân luồng hàng hóa; hệ thống quản lý vi phạm cho phép thu thập, cập nhật thông tin về tình hình vi phạm của các DN trong quá trình thực hiện TTHQ, làm cơ sở đánh giá, phân loại DN, hỗ trợ cán bộ, công chức Hải quan thực hiện nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan khẳng định, CNTT đã đóng vai trò hữu hiệu, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động chung. Để có thể quản lý khối lượng khổng lồ văn bản đi và đến cũng như thực hiện việc chỉ đạo, điều hành nội bộ qua mạng, từ năm 2009, Hải quan Hà Giang đã triển khai Hệ thống Net.Office cho phép quản lý công văn đi, đến, tiếp nhận văn bản dạng giấy hoặc điện tử, chuyển hóa văn bản giấy sang điện tử, giúp các cấp lãnh đạo phân luồng, phân công cán bộ xử lý văn bản, phát hành văn bản trả lời. Cơ sở dữ liệu văn bản dạng điện tử được thống nhất trong toàn ngành, giúp cán bộ có thể tiếp cận nhiều thông tin, văn bản hướng dẫn, từ đó thống nhất cách xử lý nghiệp vụ.
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chất lượng số liệu thống kê hàng hoá XNK, đánh giá tình hình XNK... của Hải quan ngày càng chính xác và đáng tin cậy, phục vụ đắc lực công tác điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt hoạt động kinh tế đối ngoại và chính sách thuế của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và địa phương. Số liệu thống kê hải quan về hàng hoá XNK được đánh giá là một trong những nguồn thống kê kinh tế vĩ mô có chất lượng tốt nhất, duy nhất trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê Quốc gia. Công tác ứng dụng CNTT của Cục Hải quan những năm qua được quan tâm đặc biệt, đem lại hiệu quả thiết thực, TTHQ được đơn giản, thuận lợi, nhanh chóng, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, được cộng đồng doanh nghiệp, dư luận xã hội, các cấp, các ngành đánh giá cao.
Cũng chính điều này đã góp phần thu hút các DN, tư thương triển khai hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động XNK hàng hóa, nhưng từ năm 2010 đến hết 2014, tổng trị giá hàng hóa XNK đạt trên 1.304 triệu USD, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1.669 tỷ đồng... Những con số này đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc