Bất cập trong khai thác các công trình thủy lợi
BHG- Khô hạn có phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thiếu nước cho sản xuất vụ Mùa? Câu trả lời là “không hoàn toàn” bởi lẽ có rất nhiều bất cập trong quá trình đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi...
Chúng tôi đã cùng cơ quan chức năng huyện Quang Bình “mục sở thị” các công trình thủy lợi để có câu trả lời tình trạng thiếu nước cấy vụ mùa hiện nay. Tại xã Xuân Giang, công trình thủy lợi Vàng Lòm (thôn Chì) được đầu tư nhiều tỷ đồng để cung cấp nước tưới cho 3 cánh đồng rộng trên 70ha của 3 thôn là: thôn Chì, thôn Kiêu (Xuân Giang) và thôn Yên Phú, xã Yên Hà. Công trình này đã bị cơn bão số 2 (ngày 21.7.2014) làm vỡ 3 đoạn rơi xuống lòng suối có tổng chiều dài khoảng 300m (Công trình này do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư). Công trình này đã qua gần 2 vụ trồng cấy của nhà nông nhưng nó vẫn chưa được sửa chữa lại để phục vụ sản xuất. Câu hỏi đặt ra là: Một năm qua, các cơ quan chức năng có trách nhiệm đã làm gì? Đồng bào thôn Chì, thôn Kiêu có trên 20ha ruộng cấy lúa mùa bị hạn đã không khỏi bức xúc: Đã 1 năm, nhà nông chúng tôi làm 2 vụ lúa + 1 vụ màu không có nước, kênh mương không tu sửa, nước sinh hoạt không có, dân kiến nghị mãi vẫn chưa có hồi âm. Cực chẳng đã, chính quyền xã Xuân Giang đã bỏ kinh phí để dân mua tạm ống nhựa, sửa tạm để lấy nước làm ruộng. Tuy nhiên, ống nhỏ lại chắp nối nhiều đoạn nên nước về đồng chẳng thấm là bao?
Trạm bơm Thủy Luân, thôn Hạ, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình không thể hoạt động khi suối cạn. |
Công trình thủy lợi Vàng Lầng, thôn Kiêu, xã Xuân Giang cũng bị cơn bão số 2 làm hư hỏng trên 70m mương dẫn. Hiện nay đã 1 năm trôi qua tình trạng hư hỏng cũng vẫn rơi vào tình trạng tương tự như ở Vàng Lòm? Được biết, UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định phê duyệt cấp vốn cho việc sửa chữa cả 2 công trình nhưng chưa thấy có chuyển biến gì. Còn tại công trình Phai Thọn (Xuân Giang), đoạn tưới cho thôn Bản Tuyết gần 20 ha lại xẩy ra đáy kênh dẫn nước đoạn vào ruộng lại “cao” hơn mặt ruộng cần dẫn nước tưới tới khoảng 25 – 35 cm dẫn đến không phát huy hiệu quả tưới tiêu?! Nhân dân địa phương cho biết, bất cập trên đã được phát hiện và kiến nghị lên các cơ quan chức năng ngay từ khi nó được nghiệm thu đưa vào khai thác từ năm 2010 đến nay.
Trở về xã Vĩ Thượng, khảo sát tại một số công trình thủy lợi trọng điểm cho thấy: Công trình hồ chứa Loong Giàng, thôn Trung Thành đã cạn trơ. Ngoài thời tiết không mưa thì xung quanh hồ Loong Giàng không có nguồn sinh thủy vì rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngược lại với hồ Loong Giàng cạn kiệt thì công trình thủy lợi Tạng Tát I lại thừa nước chảy bỏ đi. Lý do là hệ thống kênh dẫn nước vào đồng ruộng tại công trình này được thiết kế xây dựng quá nhỏ nên công suất dòng chảy yếu (mặc dù năm 2014, tỉnh đã mất thêm kinh phí để đầu tư nâng cấp kênh mương dẫn nước)...?!
Công trình thủy lợi Vàng Lòm bị hỏng sau Bão số 2, tháng 7.2014 đến nay vẫn chưa được sửa chữa. |
Trở lại Cụm công trình: Bến Xá và Thủy luân thôn Hạ và thôn Yên Thượng (Vĩ Thượng) bất cập đầu tư, sửa chữa làm đi làm lại lâu nay vẫn tồn tại. Đập Bến Xá cách đây gần 2 năm đã được tỉnh cấp kinh phí tu sửa lại để cấp nước tưới cho cánh đồng thôn Hạ Quang. Mùa hạn này, đập đầy nước vẫn chưa hoàn thành vai trò tưới tiêu của nó. Lãnh đạo xã cho biết, phần cuối nguồn kênh dẫn từ đập nước vẫn thiếu để cày cấy. Cả 2 công trình bơm Thủy luân thôn Hạ và thôn Yên Thượng năm 2014 tỉnh đã mất thêm vài trăm triệu dồng để nâng cấp, sửa chữa lại. Thế nhưng, đến nay vẫn không phát huy hiệu quả tưới tiêu bổ sung cho vài chục ha ruộng cấy của các thôn đã nêu. Bất cập ở chỗ, cả 2 máy bơm Thủy luân này chỉ vận hành được khi trời mưa to, dòng suối có lưu lượng nước lớn thì máy mới chạy được. Ngược lại, lúc trời không mưa, nước suối ít (ngày 23.7.2015) và cũng là lúc cần máy bơm lên thì lại... không thể bơm được? Và còn bao nhiêu công trình thủy lợi, thủy nông và cả hệ thống kênh mương trên toàn tỉnh được đầu tư thiếu đồng bộ đã làm giảm hiệu quả tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Xin được nói thêm, hiện nay Đảng, Nhà nước ta vẫn coi sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Do vậy các cấp, các ngành, các địa phương cần nhận rõ yếu kém hiện tại để khắc phục sớm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định...
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc