Vị Xuyên, siết chặt quản lý cầu treo
BHG- Hơn một năm qua, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua các cầu treo dân sinh, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, huyện Vị Xuyên đã siết chặt quản lý, thường xuyên duy tu, sửa chữa các cầu treo xuống cấp trên địa bàn.
Cầu treo thôn Nà Qua, xã Ngọc Linh xuống cấp đã được sửa lại toàn bộ, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua. |
Theo báo của Phòng Công thương huyện Vị Xuyên, năm 2014, toàn huyện có 17/31 cầu treo xuống cấp và 2 cầu treo hư hỏng không đi lại được cần được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới. Bên cạnh đó, trong số 31 cầu treo trên địa bàn, có tới 26 cầu được xây dựng từ năm 1981 đến năm 2009. Nhiều cầu trong số này có dấu hiệu xuống cấp ở một đến nhiều vị trí như: Mặt cầu, dầm cầu, hệ thống cáp hay cột cổng. Chỉ có 5 cầu treo mới được đưa vào sử dụng từ năm 2010 đến nay là còn tốt, đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo Phòng Công thương lên phương án xây mới và thay thế toàn bộ những phần xuống cấp của 2 cầu treo hư hỏng nặng; phối hợp với các xã, thị trấn duy tu, bảo dưỡng các cầu xuống cấp còn lại. Trưởng phòng Công thương huyện Vị Xuyên, Nguyễn Văn Châu cho biết: Ngay khi có sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng đã phối hợp với các địa phương cấm người dân đi qua các cầu xuống cấp nghiêm trọng; đặt biển cảnh báo người dân không tập trung hoặc cùng đi với số lượng quá động người trên cầu; cử người trực ở các cầu yếu để hướng dẫn người dân qua cầu đảm bảo an toàn. Đồng thời lên phương án thi công xây mới và sửa chữa 2 cầu treo xuống cấp nghiêm trọng là cầu treo thôn Nà Qua, xã Ngọc Linh và cầu treo Thác Hùng, xã Cao Bồ với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng.
Các cầu treo trên địa bàn huyện Vị Xuyên được thường xuyên duy tu bảo dưỡng và đặt biển báo quy định qua cầu. |
Cho đến thời điểm này, các cầu treo trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã được tu sửa đảm bảo an toàn cho người dân. Cùng với đó, ở tất cả các cầu treo, huyện Vị Xuyên đã cắm biển báo quy định, tải trọng cho phép cũng như số người được phép cùng một lúc qua cầu để nâng cao ý thức, đảm bảo an toàn cho người dân và độ bền của các cầu treo này. Hơn nữa, hiện nay đa phần phần dầm cầu, mặt cầu của các cầu treo được làm bằng các loại gỗ nhóm 5, nhóm 6 vì vậy thời gian sử dụng không bền và nhanh xuống cấp, vì vậy huyện đã phân bổ kinh phí cho các xã và chỉ đạo phải thường xuyên kiểm tra các cầu. Những vị trí có dấu hiệu mục, gãy phải thay ngay để đảm bảo an toàn và giảm thiểu kinh phí đầu tư sửa chữa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ cầu treo, khi phát hiện những điểm xuống cấp cần báo ngay cho lãnh đạo các địa phương để kịp thời sửa chữa, thay thế... Điều này đã góp phần mang lại hiệu quả không nhỏ công tác quản lý các cầu treo trên địa bàn huyện. Cô Cháng Thị Mai, thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh chia sẻ: “Nhà tôi ở ngay đầu cầu treo Nậm Dầu, cây cầu này xây dựng đã lâu để phục vụ người dân 2 thôn Nậm Dầu, Nậm Thanh nên số lượng người đi qua và vận chuyển nông sản mỗi ngày tương đối lớn làm cho nó xuống cấp nhiều rồi. Từ khi có vụ sập cầu treo ở Lai Châu thông tin liên tục trên ti vi, báo chí, huyện và xã cũng thường xuyên xuống kiểm tra và bảo dưỡng cầu treo này. Họ đã cho thay lại một số ván mặt cầu bị mục; lắp đặt biển báo nội quy, quy định qua cầu, từ đó mọi người đi qua cầu cũng yên tâm và ý thức hơn. Không còn nhiều người kéo, chở đồ quá nặng qua cầu nữa mà có muốn chở qua, mấy hộ dân ở gần cầu như gia đình tôi biết cũng không cho”.
Những biện pháp quyết liệt trong quản lý các cầu treo của huyện Vị Xuyên cùng với những chia sẻ của chính người dân khi sử dụng cầu đã cho thấy hiệu quả tích cực trong công tác quản lý cầu treo và ý thức của người dân Vị Xuyên trong việc chung tay giữ gìn, bảo vệ cầu được nâng lên rõ rệt.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc