Tín hiệu vui cho phát triển kinh tế lâm nghiệp

07:54, 09/07/2015

BHG- “Những năm trước trên địa bàn tỉnh chưa có các nhà máy, công ty chế biến lâm sản với dây chuyền sản xuất lớn, chủ yếu là các xưởng sơ chế rồi được các thương lái thu mua, xuất bán qua Trung Quốc nên giá thành không cao. Bên cạnh đó, thời gian chu kỳ thu hoạch rừng lâu (từ 5 - 7 năm), mất nhiều chi phí nên giá trị kinh tế không lớn khiến người dân chưa thực sự mặn mà trồng rừng kinh tế. Thế nhưng, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số nhà máy chế biến gỗ công suất lớn, hiện đại, giúp cho sản phẩm lâm nghiệp có đầu ra ổn định, đem lại giá trị kinh tế khá. Đó là tín hiệu vui cho người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp”. - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) Vũ Ngọc Hùng cho chúng tôi biết.

Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gỗ ván dán của Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Khu công nghiệp Bình Vàng mới được đưa vào hoạt động.
Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gỗ ván dán của Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Khu công nghiệp Bình Vàng mới được đưa vào hoạt động.

Người dân chưa mặn mà trồng rừng

Hiện nay, theo thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 266 xưởng được cấp phép; gần 100 xưởng bóc ván gỗ và băm gỗ. Đây là những cơ sở chế biến gỗ duy nhất, giúp ổn định đầu ra cho gỗ rừng trồng (tính đến hết quý I.2015). Tuy nhiên, với dây chuyền nhỏ lẻ, thủ công những cơ sở này không đáp ứng được với diện tích rừng trồng lâm nghiệp xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp, riêng từ năm 2011 đến tháng 3 năm nay, toàn tỉnh đã trồng trên 20.000 ha rừng lâm nghiệp xã hội. Còn thời kỳ trước năm 2011, con số thống kê diện tích vùng nguyên liệu có thể thu mua của nhà máy chế biến gỗ MDF mới được khánh thành tại Khu công nghiệp Bình Vàng ước chừng trên 30.000 ha rừng, với khoảng trên 1,6 triệu m3 gỗ. Vì vậy, khi người dân khai thác gỗ, với những cơ sở chế biến nhỏ lẻ, lượng gỗ bán ra chủ yếu được các xưởng mua về bóc thành ván và xuất bán qua Trung Quốc, khiến cho giá thành thu mua thấp.

Theo tính toán của các ngành chuyên môn, hiện nay 1 ha rừng trồng đến kỳ thu hoạch được trung bình khoảng 50m3 gỗ, với giá bán hiện tại người dân phải chịu chi phí vận chuyển đến các xưởng bóc, băm gỗ trên địa dao động từ 540.000 đến 900.000 đồng/m3 (tùy thuộc vào bán kính thân cây và độ thẳng của cây). Vậy 1 ha rừng đem lại giá trị cho người dân khoảng từ 27 đến 45 triệu đồng. Con số này nhìn thì có thể là lớn đối với các hộ dân nhưng theo chủ rừng Hoàng Văn Nhiên, thôn Diếc, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên) cho biết: Gia đình tôi mới bán khoảng 1ha gỗ vườn rừng được 45m3 gỗ. Vì gỗ của gia đình tôi có đường kính nhỏ nên bán được hơn 500.000 đồng/m3 thu về hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên gần 5 năm qua chúng tôi cũng mất rất nhiều công chăm sóc. Vừa rồi thu hoạch cũng phải thuê nhiều người mới khai thác xong được, bình quân thuê người cũng mất 200.000 đồng/người/ngày, chưa kể phải mất thêm chi phí nước, thuốc cho họ trong thời tiết nắng nóng thế này và thuê xe tải chở đến xưởng bóc ở xã Trung Thành (Vị Xuyên), tính ra thu về chỉ gần 20 triệu, không thấm vào đâu sau mấy năm bỏ công trồng như vậy”.

Tín hiệu vui cho người trồng rừng

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nâng cao nhận thức trồng rừng và giá trị kinh tế cho người trồng rừng, những năm qua tỉnh ta có nhiều cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư xây dựng các công ty, nhà máy chế biến lâm sản với dây chuyền sản xuất tiên tiến và công suất lớn. Với những cơ chế thông thoáng của tỉnh, năm 2012 Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất, nhập khẩu lâm nghiệp Hà Giang bắt đầu xây dựng Nhà máy chế biến gỗ MDF tại khu công nghiệp Bình Vàng có công suất chế biến 150.000m3/năm với 3 dây chuyền: Dây chuyền sản xuất ván dán; dây chuyền sản xuất ván MDF; dây chuyền sản xuất ván ghép thanh. Tổng vốn đầu tư trên 290 tỷ đồng. Ngày 25.4 vừa qua, Nhà máy chế biến gỗ MDF đã khánh thành và đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất ván dán với công suất 50.000m3 gỗ/năm. Ông Dương Thế Hùng, Giám đốc Nhà máy cho biết: “Với công suất chế biến này, mỗi năm Nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 60.000m3 gỗ ván bóc, tương đương gần 100.000m3 gỗ dạng tròn. Với năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay thì ước chừng mỗi năm nhà máy sẽ cần tới 2.000ha diện tích rừng nguyên liệu. Khi cả 3 dây chuyền đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2016) sẽ cần tới 6.000ha rừng nguyên liệu. Do vậy, nhu cầu nguyên liệu gỗ sẽ là rất lớn”. Bên cạnh đó, từ năm 2013, Công ty cổ phần phát triển Xín Mần đã xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến gỗ Hùng Thắng tại huyện Bắc Quang. Dây chuyền sản xuất của nhà máy tuy chưa lớn nhưng cũng cần khoảng 2.000m3 gỗ keo xẻ thanh/năm (tương đương khoảng 6.000m3 gỗ tròn). Đây cũng là cơ sở đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân các huyện khu vực phía Nam của tỉnh.

Theo một chủ xưởng bóc ván gỗ, trước đây với mỗi mét khối gỗ ván bóc xuất bán cho tư thương chuyển sang Trung Quốc có giá từ 2,4 đến 2,8 triệu đồng (chủ xưởng phải chịu phí vận chuyển) thì hiện nay khi bán cho Nhà máy chế biến gỗ MDF có giá 2,5 đến 2,75 triệu đồng/m3. Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển đến các Nhà máy gần hơn so với đến các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Do đó, chi phí giảm nhiều. Bên cạnh đó, để quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo sản xuất lâu dài, Giám đốc nhà máy sản xuất gỗ MDF cho biết, nhà máy đang xây dựng phương án kết hợp với các chủ vườn rừng có diện tích lớn hoặc các Tổ hợp tác, Hợp tác xã lâm nghiệp để đẩy mạnh phát triển rừng với cơ chế hỗ trợ giống, phân bón, phương pháp chăm sóc để có năng suất, sản lượng, chất lượng gỗ tốt nhất và giữ ổn định giá thành sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng rừng...

Thiết nghĩ, với những điều kiện này, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công – thương nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, cũng như tận dụng lợi thế, tiềm năng nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất của các Nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh trong những năm tới sẽ là tín hiệu vui và đem lại sự tin tưởng cho người dân tập trung phát triển kinh tế rừng và cả những cơ sở chế biến lâm sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

Những nhà máy chế biến gỗ với công suất lớn, dây chuyền hiện đại được xây dựng trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao giá trị rừng trồng cho người dân.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Ngọc Đường phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới

BHG- Ngọc Đường là một trong ba xã ngoại thành của thành phố Hà Giang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) và là xã cuối cùng của thành phố đang tích cực phấn đấu hoàn thành về đích trong năm 2015. Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã đã có nhiều đổi thay, diện mạo nông thôn ngày một hoàn thiện và khang trang hơn; đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

09/07/2015
Nhân dân xã Đường Âm tích cực phát triển kinh tế gia đình

BHG- Trong những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa được người dân xã Đường Âm (Bắc Mê) hưởng ứng. Nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế như: Vườn – ao – chuồng (VAC), vườn – ao – chuồng – rừng (VACR) hoặc các mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt... mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

09/07/2015
Cơ hội cho xã Xín Mần phát triển

BHG- Xã Xín Mần nằm ở phía Bắc của huyện Xín Mần, ngự trị trên ngọn núi Gia Long, nơi đây chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 – 2020 với một số chủ trương của huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; sự quan tâm của tỉnh và T.Ư trong việc nâng cấp Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long lên thành Cửa khẩu Quốc gia, đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để xã Xín Mần phát triển KT-XH gắn với an ninh biên giới Quốc gia.

09/07/2015
HTX Thương mại, dịch vụ và chế biến Nông, lâm sản Hoàng Su Phì – "cầu nối" giữa doanh nghiệp và người dân

BHG- Là một trong những Hợp tác xã (HTX) đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX, đổi mới hoạt động, HTX Thương mại, dịch vụ và chế biến Nông, lâm sản (HTX TMDV&CBNLS) Hoàng Su Phì đang là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế tập thể của huyện Hoàng Su Phì.

09/07/2015