Cơ hội cho xã Xín Mần phát triển
BHG- Xã Xín Mần nằm ở phía Bắc của huyện Xín Mần, ngự trị trên ngọn núi Gia Long, nơi đây chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 – 2020 với một số chủ trương của huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; sự quan tâm của tỉnh và T.Ư trong việc nâng cấp Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long lên thành Cửa khẩu Quốc gia, đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để xã Xín Mần phát triển KT-XH gắn với an ninh biên giới Quốc gia.
Tuyến đường vào Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long qua UBND xã Xín Mần được đầu tư xây dựng khang trang. |
Là xã vùng biên, có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng khu vực phòng thủ gắn với nền quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên kinh tế ở đây còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Năm 2014, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 282,7 tấn; thu nhập bình quân theo đầu người của xã đạt 11,5 triệu đồng. Trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu “tự cung, tự cấp” mang tính chất nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trong giai đoạn 2015 – 2020, bên cạnh việc tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình chính sách dự án phát triển do Nhà nước hỗ trợ như: Chương trình 30a, 135, vốn Trái phiếu Chính phủ xây dựng NTM và các dự án khác... huyện cũng tập trung đầu tư phát triển xã Xín Mần trở thành trung tâm thị tứ đến năm 2020 và Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long sẽ được nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc gia. Hiện tại, ngành chức năng đang triển khai xây dựng các hạng mục cơ bản. Đây là một lợi thế không nhỏ cho sự phát triển ở xã Xín Mần, đặc biệt là thúc đẩy phát triển nền kinh tế biên mậu theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài chợ phiên diễn ra tại trung tâm xã, Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long đang là nơi giao thương của người dân, thương lái ở địa phương và các khu vực lân cận. Các mặt hàng được buôn bán ở đây chủ yếu là quần áo, hàng nông sản của người dân địa phương. Theo người dân cho biết: Do nhu cầu của thị trường, nên các sản phẩm nông sản của người dân bán ra như: Ngô, rau sạch... đang có lượng tiêu thụ lớn. Trung bình có khoảng 15 - 20 gian hàng của thương lái bày bán các loại sản phẩm ở cửa khẩu. Nằm trong hạng mục xây dựng của cửa khẩu, tuyến đường Tỉnh lộ dài gần 30km vào cửa khẩu Xín Mần đang được sửa chữa và nhiều đoạn đường làm mới đổ bê - tông với độ dày 20cm, chiều rộng khoảng 7 mét đủ cho 2 làn xe chạy thông suốt. Hiện nay, con đường đã hoàn thành được 9km; trong thời gian tới, con đường hoàn sẽ tạo điều kiện cho việc đi lại giao lưu, buôn bán ở xã Xín Mần thuận lợi hơn. Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long được nâng cấp lên Cửa khẩu Quốc gia sẽ phục vụ cho đời sống dân sinh của người dân đồng thời thu hút nhiều thương lái, khách hàng và hoạt động giao thương với người dân tỉnh bạn cũng được đẩy mạnh.
Giai đoạn 2015 – 2020, đang mở ra nhiều cơ hội và cũng là thách thức cần khai thác các tiềm năng một cách có hiệu quả nhất đối với xã Xín Mần trong việc phát triển KT – XH gắn với an ninh, chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, để làm được điều đó; bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xín Mần phải nêu cao trách nhiệm trong công tác xóa đói, giảm nghèo; phát huy đoàn kết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực sản xuất, chăn nuôi, sản xuất; xóa bỏ thói quen trông chờ, ỉ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Anh Thào Kháy Pao, Chủ tịch UBND xã Xín Mần cho biết: Tới đây, với việc Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long được nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc gia sẽ là điều kiện thuận lợi để xã có thể phát triển ngành Thương mại – dịch vụ bằng cách quy tụ dân cư tại các khu vực trung tâm, phát triển các dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng tạp hóa... phục vụ nhu cầu của du khách và nâng cao đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân gieo trồng các loại giống cây trồng có năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tập trung phát triển các mô hình sản xuất tập trung, như: Ngô hàng hóa ở các thôn Quán Dín Ngài 30ha, Hậu Cấu 30ha, thôn Xín Mần 40ha; tăng cường trồng được 30ha rau sạch, gồm: Su su, bắp cải tại các thôn; chăn nuôi lợn, dê... để tận dụng lợi thế Cửa khẩu Quốc gia và xây dựng xã Xín Mần thành trung tâm thị tứ về phát triển KT – XH gắn với đảm bảo vững chắc AN – QP nơi vùng biên.
Văn Long
Ý kiến bạn đọc