CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN QUANG BÌNH LẦN THỨ III, NHIỆM KỲ 2015 – 2020

Từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp

06:51, 28/07/2015

BHG- Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh; những năm gần đây, Quang Bình đã triển khai có hiệu quả các mô hình, đề án phát triển các sản phẩm nông sản; quy hoạch vùng trồng tập trung, nhân lên giá trị và dần tạo thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương. Từ đó, định hướng phát triển một nền sản xuất nông nghiệp (SXNN) mang tính hàng hóa, chất lượng cao.

Trồng lúa chất lượng cao ở các xã đang mang lại hiệu quả cao và tạo ra sản phẩm có thương hiệu trong nông nghiệp của huyện.
Trồng lúa chất lượng cao ở các xã đang mang lại hiệu quả cao và tạo ra sản phẩm có thương hiệu trong nông nghiệp của huyện.

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ yếu của địa phương, những năm qua, huyện Quang Bình đẩy mạnh phát triển SXNN theo hướng thâm canh, dần hình thành vùng sản xuất tập trung, chất lượng cao; định hướng với 5 loại cây trồng chủ yếu như: Lúa, ngô, lạc, chè, cam và 2 con gia súc là trâu, lợn. Xây dựng, thực hiện các mô hình (MH) và đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, nhận thức của người dân về SXNN hàng hoá bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các SXNN được nâng lên; chuỗi liên kết 4 nhà trong SXNN dần hoàn thiện, củng cố, qua đó đã góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện. Theo đó, những đặc sản mang thương hiệu Quang Bình như: Gạo chất lượng cao, cam sành Yên Hà, chè Shan Xuân Minh, Tiên Nguyên... dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Diện mạo nền nông nghiệp Quang Bình đã có sự phát triển vượt bậc.

Trước đây, các loại cây trồng như cam, chè được trồng manh mún, không chăm sóc kỹ càng nên chỉ đáp ứng nhu cầu của cư dân địa phương. Sau khi huyện triển khai MH sản xuất tập trung, hình thành vùng hàng hóa, sản phẩm nông sản địa phương đã có cơ hội mở rộng thị trường đến trong và ngoài tỉnh. Điển hình như MH trồng cam theo hướng tiêu chuẩn VietGap có hiệu quả kinh tế khả quan, đang được đầu tư, mở rộng. Những năm trước, cam chỉ có giá tại vườn khoảng 3.000 – 5000 đồng/kg; thì giờ đây, để mua 1 kg người tiêu dùng phải bỏ ra khoảng 13.000 – 15.000 đồng/kg, thậm chí hơn 20.000 đồng vào đầu mùa. Kết quả của sự thay đổi đó là nhờ định hướng đúng đắn của địa phương để từ đó thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Hiện, huyện đang tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng trồng tập trung và xây dựng MH thành lập Tổ sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn 4 xã Yên Hà, Tiên Yên, Hương Sơn và Vĩ Thượng; hình thành vùng sản xuất tập trung, chất lượng cao. Đầu năm 2015, các xã vùng quy hoạch trồng cam đã đăng ký diện tích thực hiện trồng mới vượt chỉ tiêu 878,31/676 ha, gồm giống cam sành Hà Giang và giống cam Vinh, hiện đã cấp giống đợt 1 cho các xã được 105 ha, tương đương với 42.000 cây giống.

Ngoài MH trồng cam sành, chè Shan; trong những năm gần đây, MH trồng Thảo quả dưới tán rừng đã và đang cho thấy hiệu quả khả quan, cây Thảo quả dần trở thành một trong những cây trồng quan trọng góp phần vào việc bảo vệ rừng, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế chung của huyện. Hiện, MH Thảo quả được trồng và phát triển tốt ở 3 xã Tân Nam, Tiên Nguyên và Xuân Minh với tổng diện tích lên đến 100 ha. Cơ chế Nhà nước hỗ trợ 2,6 triệu đồng/ha (hỗ trợ 1.500 đồng/cây, mật độ 1.600 cây/ha); cùng với đó, giá trên thị trường hiện tại dao động ở mức 20 – 30 nghìn/kg quả tươi, thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, ngô; cho thấy, đây là một hướng đi rất khả thi, góp phần cải thiện đời sống cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Song song thực hiện MH Thảo quả, huyện triển khai giao rừng cho các hộ dân vừa trồng Thảo quả, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng, do vậy đã hạn chế được việc khai thác lâm sản trên địa bàn. Thêm nữa, MH hỗ trợ hộ nghèo thông qua hộ khá, giàu (hộ có điều kiện) phát triển nuôi lợn Móng cái sinh sản có hiệu quả, bền vững. Với cơ chế huyện hỗ trợ 100 giá giống, sau khi lợn nái đẻ lần 1 chuyển cho hộ nghèo, cận nghèo 2 con lợn con/nái; đẻ lần 2 chuyển cho hộ nghèo, cận nghèo 1con lợn con/nái, từ 2 xã ban đầu với 260 con đã phát triển thành 434 con, giá trị thu được ước đạt trên 150 triệu đồng. Hiện, MH này được mở rộng triển khai tại 10/15 xã, thị trấn với 72 hộ và 144 con lợn. Ngoài ra, huyện cũng đang tiếp tục triển khai nhiều MH, đề án khác đã và đang phát huy hiệu quả như sản xuất lúa, ngô hàng hóa; sản xuất cá giống, cá thịt, nuôi gà thả đồi và lợn đen tại lòng hồ Thủy điện sông Chừng...

Các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Quang Bình hiện đã có mặt tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Với hướng đi hiệu quả này, kinh tế nông nghiệp Quang Bình có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương.

PV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Cầm tay chỉ việc" cho nông dân

BHG- Lâu nay, cụm từ "trông chờ, ỷ lại" thường được gán cho nông dân một cách áp đặt khi nói về nguyên nhân của tư duy sản xuất lạc hậu, trì trệ, kém phát triển; trong khi điều mà họ cần là một định hướng phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả để làm "điểm tựa" chứ không hoàn toàn là sự hỗ trợ mang tính "mùa vụ". Khắc phục điểm yếu này, Hội Nông dân tỉnh đang triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hội viên bằng phương pháp "Cầm tay chỉ việc".

23/07/2015
Hoàng Su Phì từng bước cơ giới hóa trong nông nghiệp

BHG- Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp (NN) của huyện Hoàng Su Phì đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất NN theo hướng hàng hóa; huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đưa máy móc vào sản xuất, chế biến nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.

23/07/2015
Agribank Hà Giang - sự tin tưởng, lựa chọn của khách hàng

BHG- Với vai trò đầu mối tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng (NH) của Agribank Chi nhánh Hà Giang, các tổ chức tín dụng (TCTD) cấp chi nhánh trên địa bàn đã và đang nâng cao chất lượng hoạt động, nỗ lực trong hiện đại hoá công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ NH, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của tỉnh.

22/07/2015
Vị Xuyên, siết chặt quản lý cầu treo

BHG- Hơn một năm qua, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua các cầu treo dân sinh, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, huyện Vị Xuyên đã siết chặt quản lý, thường xuyên duy tu, sửa chữa các cầu treo xuống cấp trên địa bàn.

22/07/2015
Mua rolex dây da tại 24Kara