Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 – 2020
Tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
BHG- “Tập trung, sâu sát và dứt điểm” quyết tâm “Xây dựng huyện Bắc Mê thành huyện nằm trong vùng động lực của tỉnh, lấy phát triển công nghiệp và dịch vụ làm khâu đột phá” là những nội dung cụ thể mà ngay từ đầu nhiệm kỳ (2010 – 2015), Đảng bộ huyện Bắc Mê đã xác định rõ để tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Triệu Trung Hiệp thăm các gia đình phát triển kinh tế tại xã Minh Sơn (Bắc Mê). |
Xác định rõ Bắc Mê là một huyện có tiềm năng về khoáng sản, tài nguyên đất và rừng phong phú, cộng với đồng bào các dân tộc có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Trên cơ sở mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XV với “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm” và các chương trình, đề án của tỉnh đã ban hành, bám sát vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010 -2015, cụ thể hóa 5 nghị quyết chuyên đề, 10 chương trình, 7 đề án và nhiều kế hoạch khác của Đảng bộ. Trong những năm qua, UBND huyện đã không ngừng tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng với nhân dân vươn lên phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND huyện đã xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Tập trung thực hiện tổ chức lại sản xuất cho nông dân, chú trọng chuyển đổi khung thời vụ, thực hiện “5 cùng, 4 nhà” trong sản xuất, hỗ trợ nhân dân mua máy cày đẩy mạnh cơ giới hóa và các tư liệu khác phục vụ cho sản xuất, chế biến nông sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, với phương châm mỗi xã, thị trấn “một con, một cây, một việc” nhằm phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa từng bước được hình thành. Với chủ trương đưa sản xuất vụ Đông thành vụ chính trong cơ cấu mùa vụ của huyện, hàng năm diện tích vụ Đông thực hiện trên 1.000 ha, góp phần tăng diện tích, sản lượng cây trồng hàng năm, nâng hệ số sử dụng đất lên 1,6 lần, giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng cây hàng năm ước đạt trên 42 triệu đồng, góp phần nâng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 619 tỷ đồng. Đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 3 vạn tấn (tăng trên 4,8 nghìn tấn so với năm 2010), đạt 83,1% Nghị quyết. Bình quân lương thực đầu người ước đạt 553kg/người/năm, an ninh lương thực được bảo đảm.
Kiểm tra mô hình chuyển đổi mùa vụ ở xã Minh Ngọc. |
Không chỉ phát triển mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, nuôi trồng thủy sản, gia cầm cũng được chú trong và ngày càng phát triển mạnh, nhiều mô hình trang trại chăn nuôi được hình thành và phát triển. Trung bình đàn trâu tăng 3,6%/năm, đàn bò tăng 4,6%/năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 150 ha, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên trên lòng hồ sông Gâm trung bình ước đạt trên 120 tấn/năm. Thông qua việc lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chương trình trồng rừng kinh tế giai đoạn 2011- 2015, nâng độ che phủ rừng lên 59,2%, đạt 87,1% Nghị quyết. Sản xuất CN-TCN có bước phát triển mạnh, chủ yếu vào lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển và có tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng. Các ngành chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, dụng cụ cầm tay phát triển không ngừng, huyện đã chú trọng đầu tư khôi phục lại một số ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì thế giá trị sản xuất của ngành CN-TCN đạt 101,9% Nghị quyết, tăng 2,2 lần so với năm 2010. Trong chương trình xây dựng NTM, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để tích cực tham gia chương trình, vì thế đến nay 12/12 xã đã hoàn thành công tác quy hoạch, phê duyệt đề án, đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Hạ tầng KT – XH, diện mạo nông thôn, khu trung tâm các xã đã có bước thay đổi đáng kể. Hoạt động thương mại, dịch vụ không ngừng phát triển, đến nay 11/13 xã, thị trấn có chợ và hoạt động hiệu quả. Đặc biệt với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong 5 năm qua trên địa bàn huyện đã thực hiện nâng cấp, dải nhựa 6 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 54km, mở mới 41km và đổ bê tông 29,6km đường liên thôn. Đến nay 10/12 xã có đường ô tô rải nhựa đến trung tâm, 100% thôn bản có đường đến trung tâm xã; 80% hộ dân cư nông thôn và 98,5% hộ dân cư thị trấn được sử dụng nước hợp vệ sinh... Sự nghiệp giáo dục đào tạo đã có sự chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất trường lớp được xây dựng khang trang phù hợp với nhiệm vụ giáo dục hiện nay. Huyện giữ vững đạt chuẩn Quốc gia về xóa mù chữ. Đặc biệt trong nhiệm kỳ qua đã tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành xây dựng 8 trường chuẩn quốc gia, vì vậy chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một hiệu quả; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển mạnh, góp phần từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...
Có thể khẳng định, với sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm đồng lòng của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê, đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Với những thành quả đạt được đó, chắc chắn rằng nhiệm kỳ tới Bắc Mê sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đề ra...
Triệu Trung Hiệp (Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê)
Ý kiến bạn đọc