Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 – 2020
Nông nghiệp, khởi sắc từ cách làm mới
BHG- Những năm gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Bắc Mê đã có những bước phát triển mạnh về cả diện tích, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên cơ sở thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập, phát triển cuộc sống, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã và đang mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Người dân xã Minh Ngọc thu hoạch lúa Xuân trên cánh đồng chuyển đổi mùa vụ. |
Trước đây, khung thời vụ sản xuất ở Bắc Mê thường chậm hơn so với một số huyện trong tỉnh, do đó mỗi năm đất canh tác thường chỉ gieo trồng một đến hai vụ chính, có rất ít cây trồng vụ Đông. Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương để vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính, huyện Bắc Mê đã cố gắng nỗ lực thực hiện chuyển đổi khung thời vụ sớm để kịp sản xuất vụ Đông. Đến nay, việc sản xuất cây vụ Đông được xem là bước đột phá không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn phát triển bền vững. Vụ Xuân năm 2014, huyện Bắc Mê đã thực hiện thí điểm thành công mô hình khung thời vụ ở thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông, thôn Nà Cau, xã Minh Ngọc thực hiện sản xuất ba vụ một năm. Từ đó làm tăng sản lượng lương thực nâng cao mức thu nhập, đồng thời cũng từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân nơi đây. Thành công từ mô hình ở thôn Nà Pâu, huyện Bắc Mê đã quyết định nhân rộng mô hình sản xuất theo khung thời vụ trên địa bàn toàn huyện và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Vụ Xuân 2015, với mục tiêu gieo cấy 735 ha lúa; hơn 4.500 ha ngô; 770 ha lạc và gần 970 ha đậu tương, huyện Bắc Mê quyết tâm sản xuất theo đúng khung thời vụ và canh tác thêm cây vụ Đông. Theo đó, huyện đã quán triệt chủ trương chuyển đổi mùa vụ, thâm canh tăng năng suất cây trồng vụ Đông - xuân năm 2015 đến các cấp lãnh đạo và ngành chuyên môn. Chỉ đạo các xã cầy ải, gieo mạ trước Tết Nguyên đán. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời kiểm tra đôn đốc thường xuyên nên vụ Xuân năm 2015 toàn huyện đã gieo cấy được trên 735 ha lúa Xuân. Trong đó, trên 70% diện tích thực hiện đúng khung thời vụ và hơn 140 ha được gieo cấy trước Tết. Đến thời điểm này, các xã Yên Định, Minh Ngọc, Minh Sơn, Lạc Nông đã thu hoạch được trên 30 ha, năng suất ước đạt 57 tạ/1ha. Đối với các huyện vùng thấp việc gieo trồng đúng khung thời vụ quy định đã trở thành nề nếp từ lâu. Song ở Bắc Mê để làm được điều này là cả một quá trình nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và ngành Nông nghiệp huyện, nhằm từng bước làm thay đổi tập quán của người dân, giúp họ nhận thức được việc gieo cấy đúng khung thời vụ sẽ giúp cây trồng phát triển nhanh, ít sâu bệnh và đạt năng suất cao.
Cùng với việc chuyển đổi khung thời vụ, trong chăn nuôi ở Bắc Mê cũng được huyện quan tâm phát triển khá mạnh, cụ thể: Tổng đàn trâu có 18.170 con, đàn bò 7.546 con, đàn dê 18.300 con, đàn lợn 36.250 con; đàn gia cầm 246.800 con; đàn ong 285 tổ, đàn ngựa 145 con. Ngoài ra, việc phát triển trâu, bò hàng hoá gắn với thâm canh, huyện cũng đã có cơ chế hỗ trợ nhân dân trồng cỏ gắn với nuôi trâu, bò nhốt; hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và cận nghèo vay vốn chăn nuôi trâu bò sinh sản; số lượng gia súc hàng hóa tăng trung bình mỗi năm xuất bán trên 2.000 con trâu, bò; trên 15.000 con lợn; diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi ngày càng được mở rộng. Tổng diện tích cỏ hiện có 1.500 ha, đạt 108,7% so với Nghị quyết. Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản từng bước được đầu tư từ nguồn vốn trong dân và vốn vay tín dụng của Nhà nước, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 150 ha, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên trên lòng hồ sông Gâm trung bình hàng năm ước đạt trên 120 tấn. Song song với việc hỗ trợ về vốn, giống từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước huyện Bắc Mê đã tích cực phối hợp, liên kết với các ngành, đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho nông dân về trồng trọt, chăn nuôi. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục chú trọng tới việc trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng đầu tư có thu hồi theo chuỗi giá trị sản phẩm hang hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội. Bởi chỉ có thay đổi tư duy và phương thức chăn nuôi lạc hậu, manh mún bằng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng quy mô chăn nuôi mới có thể giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp đã có tác động tích cực làm chuyển biến nhận thức của người dân. Đặc biệt là việc chuyển đổi khung thời vụ, tổ chức lại sản xuất cho người nông dân ở Bắc Mê thời gian qua, huyện đã có có kế hoạch cụ thể, chủ động và khoa học, từ đó tạo cơ sở cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, chuỗi giá trị sản phẩm để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao mức thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành công Nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện.
Đặng Văn Thủy
(Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê)
Ý kiến bạn đọc