Bắc Quang "rốn mưa"... gặp hạn
BHG- Bắc Quang là một trong những vùng có số ngày mưa lớn nhất cả nước, lên đến 200 ngày/năm (lượng mưa trung bình khoảng 4.665-5.000 mm/năm, bắt đầu từ tháng 5-11 tổng lượng mưa/năm chiếm 90%). Thế nhưng, vụ Mùa này, nhiều xã trên địa bàn huyện phải “gồng mình” chống hạn.
Nắng hạn ảnh hưởng đến sản xuất
Nắng hạn kéo dài (nền nhiệt cao từ 35-38 độ C), lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm đã khiến mực nước ngầm tại nhiều địa phương của huyện Bắc Quang duy trì ở mức thấp; ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất (SX) nông nghiệp. Trong đó, 2/5 xã trọng điểm về SX lúa của huyện là Đồng Yên và Vĩnh Phúc chịu nhiều ảnh hưởng từ thời tiết bất thuận.
Chị Hoàng Thị Diễu (xã Vĩnh Phúc) bơm nước giếng “cứu” lúa hạn. |
Tại xã Vĩnh Phúc, bên những thửa ruộng mới cấy, đất chằng chịt vết nứt nẻ vì thời tiết khô hạn, chị Hoàng Thị Diễu (thôn Vĩnh Gia) cho biết: Nguồn nước từ các công trình thủy lợi đã cạn kiệt nên chị phải bơm nước từ giếng ăn, đủ để tưới... ướt đất cho một phần nhỏ diện tích ruộng/tổng số 3.600m2 của gia đình, với hy vọng lúa ngả vàng sẽ không mất trắng. Bởi, đây là vụ lúa duy nhất trong năm, giúp gia đình chị ổn định lương thực (người dân xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên chủ yếu cấy 1 vụ lúa và 1 vụ trồng mầu/năm – PV). “Những năm trước, thời điểm này, 2.160 m2 đất SX lúa của gia đình tôi chuẩn bị được chăm sóc đợt 1. Nhưng năm nay, ruộng vẫn còn trơ đất vì chưa có nước để cầy, bừa. Trong khi đó, diện tích mạ đã quá tuổi cấy và táp lá”, anh Ngô Văn Thiết (thôn Vĩnh Chúa) lo lắng...
Chung cảnh nắng hạn làm chậm tiến độ SX lúa vụ Mùa với Vĩnh Phúc, xã Đồng Yên còn có trên 50 ha cam mới trồng bị “cháy nắng”, khó có nguồn nước tưới để hồi xanh. Đồng thời, nắng hạn cũng khiến gần 5 ha thanh long ruột đỏ đang độ thu hoạch bị ảnh hưởng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Anh Đỗ Đức Tuân (thôn An Xuân) chia sẻ: Vụ thu hoạch thứ 2, năm 2014 vườn thanh long rộng 1 ha của gia đình anh đạt sản lượng 5,2 tấn, với giá cắt bán tại vườn lên đến 40.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, do nắng nóng kéo dài, 2 đợt ra hoa đầu tiên của thanh long đều không đậu quả, ước thiệt hại trên 3 tấn quả. Không những vậy, mẫu quả còn nhỏ hơn so với năm trước. Quả to nhất có trọng lượng 1,2 kg giờ chỉ còn 0,7 kg. “Nếu thời tiết bất thuận, những lứa quả tiếp theo (vụ thanh long kéo dài từ tháng 6-11) sẽ thất thu”, anh Tuân lo lắng. Trước thực tế vườn thanh long xanh óng chuyển sang rám vàng vì nắng, anh Tuân phải khoan giếng sâu 70 m, đầu tư hệ thống tưới lên đến 30 triệu đồng và thuê nhân công chăm sóc vườn thanh long, để đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Song, nỗi buồn thất thu vẫn còn nguyên vẹn...
Song hành với thiệt hại trên, trong những ngày 15, 16, đêm 27.7,... mặc dù trên địa bàn huyện Bắc Quang có mưa rải rác. Song, thực tế hạn hán vẫn diễn ra trên diện rộng. Bởi, lượng mưa ít, chỉ đủ tưới ẩm cho diện tích đã gieo trồng vụ Mùa. Đồng thời, do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, 492,7 ha rừng mới trồng của huyện Bắc Quang không còn khả năng hồi phục; 375 ha cam, quýt (do nhân dân tự trồng) đã bị héo lá hoặc chết cây.
Tập trung chống hạn
Hiện nay, huyện Bắc Quang mới thực hiện gieo cấy đạt 85% so với kế hoạch. Bởi trong tổng số 4.900 ha đất SX lúa vụ Mùa thì có đến 904,7 ha lúa đang bị hạn. Trong đó, 736,2 ha được xác định là không có nước cấy, tập trung nhiều ở 2 xã Đồng Yên (337,5 ha) và Vĩnh Phúc (265 ha); 168,5 ha lúa/6 xã đã cấy nhưng không có nguồn nước để bơm chống hạn (xã Vĩnh Phúc có đến 148 ha). Cùng với đó, 728,6 ha mạ đã gieo không thể cấy được, buộc phải hủy bỏ vì mạ quá già.
Vườn thanh long của anh Đỗ Đức Tuân (xã Đồng Yên) giảm sản lượng do thời tiết bất thuận. |
Trước thực tế trên, để hạn chế thấp nhất bất lợi của thời tiết và đẩy nhanh tiến độ SX theo kế hoạch, nhiều giải pháp cấp bách được huyện Bắc Quang triển khai đồng bộ đến cơ sở. Trong đó, các xã rà soát nguồn nước hiện có tại các suối, khe, ao, hồ, đập để đánh giá khả năng cung cấp nước chống hạn. Sau đó, đắp đập tạm để giữ, tích nước. Tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương, cửa cống lấy nước, đảm bảo khơi thông dòng chảy từ đầu mối tới mặt ruộng. Đồng thời, huy động nhân lực, phương tiện hiện có (máy bơm, đường ống...) để phục công tác chống hạn, trong đó, ưu tiên những diện tích lúa, ngô, lạc đã gieo trồng. Mặt khác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước để nuôi dưỡng cây, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh giúp cây sinh trưởng tốt. Riêng những diện tích không có khả năng cấy lúa được chuyển đổi sang trồng cây mầu ngắn ngày, sử dụng ít nước như: Ngô (LVN885, CP333, NK66, NK4300), lạc (L23, L14), đậu tương (DT96, DT 99), vừng,... để đảm bảo kịp khung thời vụ trước ngày 10.8.2015.
Song hành với những biện pháp khắc phục trên, huyện Bắc Quang cũng triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư có thu hồi (ĐTCTH), theo “Đề án Thôn tự chủ, tự quản” của huyện như: Ứng trước 100% kinh phí cho các hộ, nhóm hộ, tổ hợp tác có nhu cầu mua máy bơm mini để dễ vận chuyển, phục vụ bơm nước chống hạn. Không thu hồi kinh phí giống vụ Mùa 2015 đã ứng trước, theo cơ chế ĐTCTH của các hộ dân có diện tích mạ không thể cấy mà chuyển sang cung ứng bù vào vụ Xuân 2016. Đồng thời, hỗ trợ về giống, phân bón cho các hộ có nhu cầu để thực hiện chuyển đổi diện tích không có khả năng cấy lúa sang trồng cây mầu. Riêng những diện tích cam, quýt, chè, cây rừng (keo, bồ đề, quế...) mới trồng bị táp lá, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân, ngoài tưới nước, phòng trừ sâu bệnh nên phủ rơm rạ, cỏ lên bề mặt gốc để giữ ẩm cho cây...
“Cùng với việc thực hiện các biện pháp chống hạn mà cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và chờ những cơn mưa “vàng” từ trời đổ xuống, để ổn định SX”, bác Ngô Văn Kể (xã Vĩnh Phúc) chia sẻ.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc