Thu hút nguồn vốn ODA – con đường còn nhiều gian nan

19:44, 09/02/2015

BHG- Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án sử dụng vốn ODA. Trong đó, 21 dự án đang thực hiện, 1 dự án phê duyệt quyết toán, 6 dự án đã hoàn thành, đang quyết toán. Riêng năm 2014, tỉnh tiếp nhận 12 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 61,4 triệu USD, tương đương 1.303 tỷ đồng. Kết quả trên khẳng định thành công bước đầu của quá trình vận động vốn ODA, nhưng con đường phía trước vẫn nhiều gian nan.

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là một trong số ít lĩnh vực thu hút hiệu quả nguồn vốn ODA. Trong ảnh: Sửa chữa tuyến tỉnh lộ Bắc Quang - Xín Mần.
Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là một trong số ít lĩnh vực thu hút hiệu quả nguồn vốn ODA. Trong ảnh: Sửa chữa tuyến tỉnh lộ Bắc Quang - Xín Mần.

Niềm vui đầu năm

Trong không khí rộn ràng của ngày Tết đến, Xuân về đang trải dài khắp miền quê vùng cực Bắc, người dân tỉnh ta tiếp tục đón thêm tin vui trong lĩnh vực thu hút vốn ODA. Sau nhiều năm tiếp xúc, vận động với lộ trình, chiến lược, bước đi cụ thể, Dự án Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) chính thức được khởi động. Quá trình vận động được tiến hành từ năm 2011, khi BQL Dự án chính thức đề xuất Bộ KH-ĐT, nhà tài trợ tạo điều kiện giúp đỡ Hà Giang. Với kinh nghiệm thực hiện dự án trước đây và cam kết mạnh mẽ từ phía tỉnh, Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đồng ý tài trợ thực hiện giai đoạn III. Dự án được khởi động đã thắp sáng thêm niềm hy vọng, củng cố quyết tâm xóa nghèo của chính quyền, người dân địa phương.

Dự án CPRP được triển khai trên địa bàn 30 xã của 5 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên với tổng nguồn vốn 33,712 triệu USD. Trong đó, vốn ODA của IFAD 20 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam trên 9,4 triệu USD, đóng góp của các bên hưởng lợi trên 4,2 triệu USD. Chương trình triển khai từ năm 2015-2020 nhằm nâng cao thu nhập, giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân, HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp với mục tiêu hợp tác có lợi và bền vững trong môi trường nông thôn mới theo định hướng thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Các xã được lựa chọn tham gia chương trình dựa trên tiêu chí tỷ lệ nghèo, mức độ dễ bị tổn thương trước thiên tai, quyết tâm và cam kết của lãnh đạo, tiềm năng phát triển các chuỗi giá trị phù hợp với người nghèo...

Đối tượng tham gia gồm các hộ nông thôn nghèo có đất đai và lao động, người dân nông thôn thiếu kỹ năng sản xuất, thiếu đất sản xuất nhưng có mong muốn, khả năng kinh doanh, các nông dân chủ chốt có kỹ năng thúc đẩy sản xuất theo hướng thương mại. Ngoài ra, các đối tượng khác cũng được hưởng lợi từ chương trình gồm doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân, hộ nông dân hoạt động trong chuỗi giá trị có cùng lợi ích phát triển các sản phẩm và dịch vụ bền vững phù hợp người nghèo. Chương trình gồm 3 hợp phần như xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường; đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp người nghèo và điều phối chương trình. Việc triển khai chương trình sẽ góp phần giảm 50% số nghèo tại các xã được hưởng lợi, giảm 30% tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; 10 nghìn hộ nghèo, cận nghèo tại các xã mục tiêu của chương trình tăng ít nhất 30% thu nhập; chỉ số năng suất nông nghiệp tại các xã tăng 20% khi kết thúc; ít nhất 15 triệu USD đầu tư vào các hệ thống canh tác.

Còn nhiều gian nan

Thu hút nguồn vốn ODA được xác định là một kênh đầu tư quan trọng, trong bối cảnh ngân sách “còi cọc”, đầu tư công ngày càng thắt chặt thì vốn ODA đã, đang khẳng định vai trò “cứu cánh” cho tăng trưởng kinh tế. Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án sử dụng vốn ODA gồm 20 dự án đầu tư, 8 dự án hỗ trợ kỹ thuật. Trong đó, 21 dự án đang thực hiện, 1 dự án phê duyệt quyết toán, 6 dự án đã hoàn thành, đang quyết toán. Riêng năm 2014, tỉnh tiếp nhận 12 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 61,4 triệu USD, tương đương 1.303 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban vận động ODA của tỉnh đã lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 44 dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, với số tiền dự kiến trên 15 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 24 dự án khởi công mới, tổng vốn trên 12,8 nghìn tỷ đồng.

Những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, tuy nhiên cũng phải thừa nhận, nguồn vốn ODA thu hút về tỉnh còn khá khiêm tốn, chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nhất định như giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi... Theo đánh giá của các chuyên gia, con đường tiếp cận vốn ODA còn nhiều gian nan, do bước đi, cách thực hiện của chúng ta thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn như, hiện nay hầu hết các thành viên Ban vận động ODA đã ban hành kế hoạch, danh mục dự án, nhưng nhiều đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa có hành động vận động cụ thể. Nguyên nhân, do một số thành viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nguồn vốn ODA, chưa nắm rõ quy trình, chưa chủ động phối hợp với Cơ quan thường trực để thực hiện vận động. Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư đối với một số dự án chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhà tài trợ. Thậm chí, một số ít dự án công tác chuẩn bị rất chậm nên có nguy cơ bị loại khỏi danh mục tài trợ; một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA tiến độ triển khai chậm, kết quả giải ngân vốn thấp, công tác thông tin của chủ đầu tư và địa phương về các dự án tài trợ tới người hưởng lợi chưa kịp thời, gây mất uy tín của tỉnh.

Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp, do đó nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ ngày càng ít và sẽ chuyển dần sang sử dụng vốn kém ưu đãi nên tiêu chuẩn dự án ODA ngày càng cao và khắt khe. Hơn nữa, việc vận động nguồn vốn ODA cho một chương trình, dự án từ bước đề xuất đến khi điều ước quốc tế được ký kết là cả quy trình phức tạp, tốn nhiều thời gian, sức lực nên đòi hỏi phải kiên trì ngoại giao, đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tài trợ... Đây thực sự là những rào cản lớn, không dễ gì vượt qua trong quá trình vận động ODA, nhất là đối với tỉnh ta, địa phương mới tiếp cận “sân chơi” quốc tế. Nhận thực rõ điều này, tỉnh ta chủ trương tăng cường năng lực các thành viên Ban vận động, tiếp cận các chiến lược, cách thức vận động hiệu quả nhằm thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội cổ đông thành lập Công ty Cổ phần cấp thoát nước Hà Giang

HGO- Ngày 8.2, Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Hà Giang tổ chức Đại hội Cổ đông thành lập Công ty Cổ phần cấp thoát nước Hà Giang (nhiệm kỳ 2015 – 2020). Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp của tỉnh; lãnh đạo Đảng ủy khối doanh nghiệp.

09/02/2015
Viettel Hà Giang quay số trúng thưởng chương trình khuyến mại

HGO- Chiều 8.2, Chi nhánh Viettel Hà Giang đã tổ chức quay số trúng thưởng chương trình khuyến mại "Đăng ký 3G, bất ngờ trúng xe máy" đợt 1.

09/02/2015
Mãi đồng hành cùng nhà nông

Xuân 2015- Được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước tháng 6/2006 thành Công ty Cổ phần. Công ty Cổ phần Vật tư nông, lâm nghiệp tỉnh Hà Giang đã có gần 10 năm trên thương trường gắn bó, chia sẻ, đồng cam cộng khổ cùng nhà nông đồng bào các dân tộc trên các vùng miền của tỉnh nhà, đáp ứng kịp thời các loại vật tư nông, lâm nghiệp; giống cây trồng; phân bón hóa học; thuốc bảo vệ thực vật; vận tải hàng hóa; thương mại tổng hợp;... góp phần đắc lực nhất đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh như hiện nay.

08/02/2015
BQL các dự án ĐTXD huyện Đồng Văn: Thêm những công trình đón Xuân

Xuân 2015- Năm 2014 được đánh giá là năm khó khăn  của ngành Xây dựng nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng với nhiều biến động do sự phục hồi nền kinh tế chậm, trượt giá vật tư, nguyên liệu phục vụ xây lắp, sự biến động về vốn, lãi suất... làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư, dẫn tới nhiều công trình, hạng mục bị đình hoãn hoặc phải thay đổi lại giá đầu tư. 

08/02/2015