Sản xuất đậu tương hàng hóa góp phần XĐGN tại Bắc Mê
HGĐT- Đậu tương là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, từ hạt đậu tương có thể chế biến được nhiều loại thực phẩm khác nhau như:đậu phụ, tương chao, sữa...
Thân và lá của cây đậu tương chứa nhiều chất dinh dưỡng, bộ rễ cây đậu tương có khả năng cố định đạm, hàng năm 1 ha đậu tương có thể trả lại cho đất từ 45-50 kg Nitơ có tác dụng cải tạo và tăng độ phì cho đất. Do có nhiều các đặc tính về giá trị kinh tế và môi trường cho nên trong những năm gần đây cây đậu tương đã trở thành một trong 4 cây trồng chính có vị trí hết sức quan trọng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương, đặc biệt ở huyện Bắc Mê cây đậu tương đã trở thành cây trồng xoá đói giảm nghèo, nhiều xã cây đậu tương đã phát triển trở thành cây trồng hàng hoá.
Huyện Bắc Mê có tổng diện tích tự nhiên 85.285,96 ha, trong đódiện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp là 72. 801,84 ha chiếm 85,63 %; đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp là 8.070,47 ha chiếm 9,4% chủ yếu được gieo trồng 4 loại cây trồng chính là cây ngô, cây lúa, cây đậu tương và cây lạc, trong đó cây đậu tương được tập trung phát triển chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2006 - 2010 trên đất ruộng 1 vụ và đất đồi, bước đầu cây đậu tương đã hình thành được vùng sản xuất hàng hoá tập trung và tạo được những nguồn thu nhập nhất định cho người nông dân, góp phần cải tạo và nâng hệ số sử dụng đất.
Ông Trần Mạnh Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bắc Mê cho biết: Những năm trở về trước, nền kinh tế nông nghiệp của huyện hầu như chưa có gì nổi bật, nhưng từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây kém hiệu quả sang trồng các giống mới năng suất, chất lượng cao nên nền kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Mê đã có chuyển biến rõ rệt hơn. Người dân trồng cây đậu tương đã có sự chuyển biến tích cực về tư duy, nhận thức trong canh tác. Từ sản xuất đơn lẻ, manh mún, mỗi nhà một mảnh ruộng, một nương, một loại cây trồng khác nhau thì đến nay nhiều người đã có ý thức chuyển sang canh tác thành vùng, tạo sự đồng bộ về sản phẩm và chất lượng. Đặc biệt là đối với các xã có tiềm năng, thế mạnh về cây đậu tương như: Đường Hồng, Đườngm... Theo đó giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cũng được nâng lên.Năm 2010 gieo trồng được 1.871 ha, diện tích năm 2010 tăng so với năm 2006 là 839 ha, năng suất đạt 13,7 tạ/ha. Năng suất năm 2010 tăng sovới năm 2006 là 5 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt 2.554,7 tấn, sản lượng năm 2010 so với năm 2006 tăng 6.428,9 tấn.Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, riêng vụ đông - xuân 2011, diện tích của vùng đậu tương hàng hóa ở Bắc Mê đã được mở rộng lên, diện tích gieo trồng được 811,4 ha, thì năng suất ước đạt 14,2 tạ/ ha, sản lượng ước đạt 1.152,2 tấn. Với cơ cấu giống chủ yếu vẫn là giống DT84, Địa phương, DT12, DT99, VX 93, AK 03, AK 06, trong đó giống địa phương chiếm khoảng 40% diện tích, giống DT 84 chiếm khoảng 30 % DT, các giống DT 12, DT 99, VX 93, AK 03,06chiếm khoảng 30% diện tích. Theo đánh giá chung của phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Bắc Mê thì các giống đậu tương mới đang gieo trồng trên địa bàn huyện là những giống có tiềm năng, năng suất, phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện. Các giống DT12, DT99, VX 93 là các giống được đưa vào khảo nghiệm từ năm 2005-2006 là những giống có thời gian sinh trưởng ngắn 80-90 ngày phù hợp với công thức luân canh đậu tương xuân – lúa mùa sớm trên chân ruộng một vụ.
Qua sản xuất khảo nghiệm từ năm 2005 – 2010, người dân đã từng bước chủ động và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Tuy nhiên, để tiến tới xây dựng một vùng sản xuất đậu tương hàng hóa bền vững, để xây dựng thương hiệu đậu tương Đường Hồng được nhiều người biết đến thì chặng đường đó còn rất nhiều khó khăn. Bởi nhận thức của một bộ phận người dân trong vùng chuyên canh trồng đậu tương hàng hóa còn nhiều hạn chế gây ảnh hưởng không nhỏ đến đề án phát triển đậu tương hàng hóa. Nhiều người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể còn hạn chế; quá trình tổ chức thực hiện trong sản xuất cây đậu tương còn nhiều yếu tố hạn chế và bất cập; cơ cấu giống trong sản xuất chủ yếu là giống địa phương năng suất thấp, diện tích được đầu tư thâm canh chiếm tỷ lệ thấp, công tác bảo vệ thực vật hàng năm chưa được quan tâm đúng mức. Gọi là vùng sản xuất đậu tương hàng hóa nhưng diện tích vẫn chưa ổn định, năm trồng nhiều, năm trồng ít nên kéo theo sự bấp bênh của sản lượng. Để giải quyết những khó khăn này, trong thời gian tới, ngoài sự chỉ đạo sát hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương, người nông dân cần tập trung vào làm tốt vấn đề thời vụ, giống và phân bón, đồng thời người dân cần thay đổi tư duy, nhận thức, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào canh tác, để thương hiệu đậu tương Đường Hồng, Đườngm nhiều người biết đến.
Có thể khẳng định, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, từ trên chính mảnh đất quê hương, bộ mặt nông dân, nông thôn ở Bắc Mê đã và đang có nhiều khởi sắc. Hiện nay, cây đậu tương là một trong những cây trồng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào công tác XĐGN ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc