Lĩnh vực công nghiệp, thương mại hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
HGĐT- Trong những năm qua, tỉnh ta có sự quan tâm đúng mức nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực công nghiêp, thương mại. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa đáp ứng được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển, góp phần đắc lực xoá đói, giảm nghèo cho người dân.
Nhà máy thuỷ điện Thanh Thuỷ 2 có 3 tổ máy với tổng công suất 9 MW đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
|
Trước thực tế đó, tỉnh xây dựng giải pháp phát triển công nghiêp, thương mại giai đoạn 2011- 2015 với mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững.
Phát triển công nghiệp, thương mại là hướng đi bền vững đưa Hà Giang sớm thoát khỏi tỉnh đói nghèo và lạc hậu. Xác định được điều đó, trong những năm qua, tỉnh ta có sự quan tâm đúng mức để phát triển công nghiệp, thương mại thông qua nhiều chương trình, hành động được triển khai nhằm thu hút sự quan tâm đầu tư và phát triển cho các tổ chức, cá nhân như: Thực hiện công tác quảng bá tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp; dần hoàn thiện quy hoạch tổng thể về công nghiệp, thương mại; triển khai các chính sách thu hút đầu tư; thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ ở các cấp, các ngành...Trong lĩnh vực công nghiệp tỉnh tập trung vào những lợi thế chính đó là phát triển công nghiệp khai khoáng, thuỷ điện; lĩnh vực thương mại tập trung khai thác lợi thế kinh tế biên mậu, phát triển chợ nông thôn... Nhờ có sự quan tâm của tỉnh, lĩnh vực công nghiệp, thương mại trong những năm qua cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đóng góp vào GDP của tỉnh năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 21%. Năm 2006 đạt trên 470 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Ngành công nghiệp phát triển tập trung vào 2 lĩnh vực chính đó là khai thác, chế biến khoáng sản và thuỷ điện. Hiện trên địa bàn có 57 giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản kim loại và phi kim loại. Vốn đầu tư cho các dự án khai thác, chế biến khoáng sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 70 dự án đầu tư thuỷ điện với tổng công suất lắp máy trên 760 MW, trong đó có 42 dự án được tỉnh chấp thuận cho đầu tư, nhiều dự án đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động. Có thể khẳng định lĩnh vực khai khoáng và thuỷ điện trên địa bàn có sự đóng góp đáng kể giúp tỉnh tăng thu ngân sách cũng như tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Trong lĩnh vực thương mại, mạng lưới bán buôn, bán lẻ phát triển ở hầu hết các huyện, thành phố. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ, doanh thu dịch vụ xã hội tăng khá. Năm 2006 đạt gần 1.100 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 2.400 tỷ đồng. Hoạt động thương mại biên giới có bước tăng trưởng khá, nổi bật là kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây, bình quân tăng 12%/năm. Năm 2006 trị giá hàng hoá trao đổi qua biên giới đạt 113 triệu USD đến năm 2010 đạt 280 triệu USD... Dù vậy, sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại chưa bền vững và chưa đáp ứng được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế tỉnh nhà phát triển. Nhiều dự án có tác động xấu đến môi trường...
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, đó là sớm đưa Hà Giang thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo, tỉnh đặc biệt khó khăn, trong đó phát huy nền sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng bền vững. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển dựa trên những thế mạnh là: Đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ; khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản; chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm; đa dạng các hình thức đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt: Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng là 19,5%; thương mại, dịch vụ đạt 17,5%; cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng chiếm 34%, thương mại dịch vụ chiếm 39,5%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ đạt 3.300 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 600 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh và ngành chức năng đã xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong lĩnh vực khai khoáng, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Triển khai đúng quy hoạch khoáng sản được phê duyệt như sắt, chì- kẽm, mangan, angtimon. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thiết bị, công nghệ, nhân lực để đầu tư xây dựng nhà máy luyện kim trên địa bàn tỉnh. Do đó tỉnh cần có chính sách ưu tiên cấp mỏ và quy hoạch vùng nguyên liệu để duy trì hoạt động cho các nhà máy luyện kim nhằm đảm bảo niềm tin cho các nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp được cấp mỏ mà không thực hiện chế biến sâu thì tập trung nguyên liệu cho nhà máy luyện kim của tỉnh theo hướng cổ đông sáng lập, hoặc ưu tiên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luyện kim đã có nhằm tiến tới xoá bỏ việc xuất bán tinh quặng ra khỏi địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng dự án thuỷ điện theo quy hoạch được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ trong năm 2011, bao gồm: Sông Con 2, công suất 19,5 MW; Thanh Thủy 2, công suất 9 MW; Nho Quế 3, công suất 110 MW; Bát Đại Sơn, công suất 6 MW; Suối Sửu 1, công suất 3,2 MW; Nậm Ly 1, công suất 5 MW; Bản Rịa, công suất 2 MW. Với các dự án thuỷ điện được cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai thi công cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng của tỉnh để tiến hành rà soát, đốc thúc chủ đầu tư cũng như có phương án giải quyết cụ thể. Các dự án vi phạm pháp luật sẽ đề xuất phương án xử lý thu hồi giấy phép. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị theo quy hoạch. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại, từng bước cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ. Trước hết là các chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, chợ trong trung tâm thị trấn, huyện lỵ, cụm xã, chợ biên giới...Xây dựng các trung tâm thương mại, trung tâm thông tin và xúc tiến thương mại tại thành phố Hà Giang. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Giang, thị trấn Việt Quang và các địa phương có điều kiện. Tập trung đầu tư và đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại cho hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó trọng tâm là khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.
Để thực hiện được mục tiêu, việc hoàn thiện quy hoạch trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại là yêu cầu cần thiết và hiện đang được tỉnh và các ngành chức năng gấp rút thực hiện. Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp để bảo đảm tính thống nhất về không gian, địa hình, phù hợp với điều kiện phát triển trong khu vực. Làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư, dần tiến tới di rời, xoá bỏ các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất với mục tiêu khai thác triệt để và tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Có cơ chế hỗ trợ cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hoá có chất lượng cao, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường và khuyến khích sản xuất. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biên mậu. Xây dựng các đề án đầu tư bến bãi vận tải, giao nhận hàng, hệ thống tập kết hàng hoá. Tổ chức các hoạt động dịch vụ giao nhận và kênh phân phối hàng hoá từ vùng sản xuất đến khu vực cửa khẩu. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là cần cải thiện thực sự chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại địa phương, đồng thời tập trung nỗ lực vào cải cách thủ tục hành chính ở chính quyền các cấp.
Hy vọng rằng, với mục tiêu và giải pháp được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phát triển, lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh ta sẽ có bước phát triển theo hướng bền vững theo đúng tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
Ý kiến bạn đọc