Cần sớm tháo gỡ bất cập trong triển khai các Dự án Khoáng sản – Thủy điện
HGĐT - Từ nhiều năm trước, lĩnh vực khai thác khoáng sản, thủy điện luôn được coi là thế mạnh, động lực phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. để hai lĩnh vực này thực sự trở thành đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế, tỉnh ta sớm triển khai công tác quy hoạch, cấp giấy phép cho các dự án đi vào hoạt động. thế nhưng, sau nhiều năm nhìn lại, lĩnh vực khai khoáng, thủy điện vẫn bộc lộ nhiều bất cập, và để nó thực sự là đầu tàu rất cần những giải pháp hiệu quả.
Quy hoạch khai thác khoáng sản kim loại được HĐND tỉnh phê chuẩn gồm 72 mỏ, điểm mỏ, trên cơ sở đó UBND tỉnh đã cấp 53 giấy phép cho 36 tổ chức được quyền khai thác tại 47 mỏ, điểm mỏ và 1 giấy phép chế biến khoáng sản. Trong đợt giám sát đầu tháng 4 vừa qua, đoàn giám sát HĐND tỉnh xác định có 11 dự án đã và đang hoạt động; 8 dự án đang tạm dừng; 34 dự án chưa đi vào hoạt động. Đối với Quy hoạch Thủy điện vừa và nhỏ, UBND tỉnh đã phê duyệt 71 dự án với tổng công suất lắp máy gần 772 MW, đến nay, có 26 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; cho chủ trương đầu tư 19 dự án (sau đó thu hồi chủ trương đầu tư đối với 6 dự án).
Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3, được xây dựng trên địa bàn xã Khau Vai (Mèo Vạc) có công suất lắp máy 110MW đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Qua theo dõi việc triển khai dự án của các nhà đầu tư cho thấy: Cơ bản các dự án khoáng sản, thủy điện được chính quyền các cấp, ngành chức năng, chủ đầu tư triển khai đúng quy hoạch. Nhìn chung, việc triển khai các dự án đã góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, kích thích phát triển nhiều ngành, nghề trong vùng dự án, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong quá trình triển khai, các chủ đầu tư đã mở một số tuyến đường giao thông vào vùng dự án, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đồng thời thúc đẩy KT-XH phát triển thông qua việc trao đổi các mặt hàng nông, thổ sản. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã từng bước nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện; thường xuyên kiểm tra, kịp thời tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc phát sinh. Bên cạnh việc triển khai các hạng mục của dự án, nhiều chủ đầu tư cũng có những đóng góp tích cực, ủng hộ địa phương nơi dự án đóng chân thông qua hình thức đầu tư, hỗ trợ xây dựng điểm trường, trụ sở thôn, cải tạo kênh tưới tiêu, hỗ trợ hộ nghèo...
Trên công trường thi công Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai dự án thủy điện, khoáng sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế: Các quy hoạch thủy điện chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đơn vị được giao nhiệm vụ chưa thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát làm cơ sở lập quy hoạch. Quy hoạch thủy điện chưa mang tính tổng thể, lâu dài, chưa xác định chính xác tiềm năng, dẫn đến thường xuyên phải bổ sung quy hoạch, chủ đầu tư một số dự án đã nâng công suất thiết kế so với quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, quá trình khảo sát, thiết kế và thẩm định của các cơ quan chức năng có lúc thiếu chặt chẽ, chính xác dẫn đến mực nước dâng khi ngăn dòng tích nước vượt quá thiết kế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống giao thông và sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng lòng hồ; một số dự án nằm trong quy hoạch nhưng không có sức hấp dẫn nhà đầu tư do quy mô nhỏ, địa bàn thi công khó khăn, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải, TBA đấu nối vào lưới điện quốc gia quá cao.
Cùng với thủy điện, việc triển khai các dự án khai khoáng có rất nhiều vấn đề phải lưu tâm, hầu hết các dự án chủ đầu tư vừa tiến hành khai thác, vừa thăm dò, đánh giá trữ lượng, đến nay mới chỉ có 4/53 dự án hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục, các dự án còn lại đều thiếu từ 2-5 thủ tục theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng có vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước khi chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết. Đặc biệt, công tác bồi thường, GPMB ở các dự án đều có những vấn đề phát sinh như việc tự thỏa thuận giữa chủ đầu tư với người dân không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương nên khi phát sinh vướng mắc thường thiếu cơ sở xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên. Mặt khác, sau khi đền bù, GPMB, một số hộ dân lâm vào tình trạng thiếu đất sản xuất, trong khi các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề chưa được thực hiện tốt, việc tuyển lao động từ hộ bị ảnh hưởng của dự án vào làm công nhân nhà máy còn hạn chế...điều này đã làm phát sinh nhiều tiêu cực. Trong quá trình triển khai dự án khoáng sản, hầu hết các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc xử lý nước thải, chất thải rắn chưa tốt đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất và đời sống người dân.
Những năm qua, nền KT-XH của tỉnh có sự tăng trưởng đáng khích lệ, thành tựu chung đó có sự đóng góp của hoạt động khai khoáng, thủy điện nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Tuy nhiên, góc độ trái chiều từ việc triển khai các dự án thủy điện, khoáng sản đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, có giải pháp tháo gỡ, cụ thể như: Các hoạt động khai thác khoáng sản, đầu tư thủy điện đã làm xuống cấp nghiêm trọng một số tuyến đường giao thông, trong khi đó, tỉnh chưa có quy định cụ thể, chưa phân định rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp về mức đóng góp duy tu, bảo dưỡng, số thu các loại thuế, phí chưa bù đắp được một phần nhỏ những thiệt hại gây ra.
Ngoài ra, việc cấp phép cho nhiều chủ đầu tư khai thác khoáng sản trên cùng 1 địa bàn xã dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và trật tự an toàn xã hội; việc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, thủy điện trên địa bàn chưa gắn với các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm nên các kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước chưa được doanh nghiệp thực hiện nghiêm, dẫn đến nhiều dự án không hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục, chậm triển khai theo đúng cam kết, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi lập, thẩm định các loại quy hoạch khoáng sản, thủy điện chưa đồng bộ, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và quy hoạch của từng ngành nên có hiện tượng chồng chéo giữa các quy hoạch; quá trình tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư, việc thẩm định, đánh giá năng lực của nhà đầu tư chưa được quan tâm đúng mức.
Những hạn chế trên, cần sớm được các ngành chức năng xem xét, có giải pháp tháo gỡ nhằm làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư để các lĩnh vực khai khoáng, thủy điện thực sự trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.
Ý kiến bạn đọc