Xây dựng nông thôn mới: “Giàu” và “văn hóa”
Một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập cho người dân và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, nói nôm na là làm cho người dân “giàu” và “văn hóa”. “Giàu” thì có tiêu chí khá cụ thể và hiệu quả thì trông thấy được, nhưng tiêu chí “văn hóa” thì như thế nào?
Theo Bộ NN&PTNT, việc triển khai và kết quả bước đầu của chương trình đã có tác động làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ và người dân nông thôn, tạo cho họ niềm tin về sự đổi đời trong tương lai.
Vì thế, người dân đã tham gia nhiều hơn trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, quan tâm hơn đến công việc của cộng đồng và tự giác thực hiện tại gia đình mình; là cơ sở để hình thành và phát triển được các phong trào xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ có người dân mà cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đã có sự thay đổi trong nhận thức về vai trò nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Việc triển khai chương trình cũng đưa ra được kinh nghiệm bước đầu về cách làm, cơ chế, triển vọng để thực hiện thành công Nghị quyết TƯ 7 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Đồng thời, qua việc triển khai thí điểm tại 11 xã đã có những mô hình tốt trên các mặt: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực; phát triển sản xuất gắn với quy hoạch ruộng đồng và cơ sở hạ tầng; phong trào cải thiện điều kiện sống của các hộ dân cư; mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Qua thực tiễn, các mô hình đã phát huy tốt hiệu quả và đang được lan tỏa, nhân rộng.
11 xã thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới bao gồm: Thanh Chăn (Điện Biên), Tân Thịnh (Bắc Giang), Hải Đường (Nam Định), Thụy Hương (Hà Nội), Gia Phố (Hà Tĩnh), Tam Phước (Quảng Nam), Tân Lập (Bình Phước), Tân Hội (Lâm Đồng), Tân Thông Hội (TP. Hồ Chí Minh), Mỹ Long Nam (Trà Vinh), Định Hòa (Kiên Giang). |
Một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập cho người dân và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, nói nôm na là làm cho người dân “giàu” và “văn hóa”. “Giàu” thì có tiêu chí khá cụ thể và hiệu quả thì trông thấy được, nhưng tiêu chí “văn hóa” thì như thế nào?
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc thành lập Ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi người dân, của từng gia đình, từng khu dân cư, sẽ góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sức mạnh của dân tộc. Ðây là nhiệm vụ rất quan trọng, vì vậy phải huy động, tập hợp sức mạnh cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt cuộc vận động.
Như vậy, muốn nâng cao “chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi người dân, của từng gia đình, từng khu dân cư”, từ đó “sẽ góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sức mạnh của dân tộc” thì ngoài việc phát triển kinh tế nông thôn phải quan tâm, chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa làng, bản; tuyên truyền lối sống mới, đời sống mới mà cụ thể là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Trên thực tế, các nội dung của phong trào như: Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng thôn - làng - khối phố văn hóa; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, học tập, lao động sáng tạo… hoàn toàn phù hợp với nội dung của xây dựng nông thôn mới.
Xét đến cùng, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa mới đều chung một mục tiêu là góp phần xây dựng đất nước, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Mối quan hệ hai cuộc vận động là rất rõ, biện chứng, không thể “nặng” mặt này mà xem “nhẹ” mặt kia.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chiến lược cần tập trung, giải quyết năm vấn đề. Và một trong năm vấn đề đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hoá, xây dựng đời sống và môi trường văn hoá lành mạnh; bảo vệ thuần phong mỹ tục ở nông thôn, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Tuy nhiên, qua sơ kết xây dựng thí điểm 11 xã nông thôn mới, nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra: Trong thực hiện các nội dung, mới chú trọng nhiều đến các xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến các hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư… Vì vậy, trong kế hoạch triển khai chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời gian tới đây thì việc triển khai đồng bộ các tiêu chí sẽ được chú trọng hơn.
19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới bao gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. |
Ý kiến bạn đọc