Thực trạng và định hướng phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh ta

17:11, 13/05/2011

HGĐT- Trong những năm qua, nghề chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta có sự chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi trong ngành nông nghiệp từ 23,5% năm 2005 tăng lên gần 26% vào năm 2010, tạo được một bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.


Tỉnh ta đã khẳng định, việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi có tầm quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Chăn nuôi gia súc không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho con người, mà còn là nguồn sức kéo, nguồn phân bón hữu cơ, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; làm cân bằng môi trường sinh thái do tận dụng các phụ phẩm của ngành trồng trọt và của các ngành sản xuất khác tạo ra. Ở các huyện vùng cao của tỉnh hiện nay, chăn nuôi đóng góp một phần rất quan trọng trong cơ cấu thu nhập của người nông dân, đồng thời giải quyết khá tốt tình trạng lao động dôi thừa và lao động thời vụ nhàn rỗi.


Qua nghiên cứu, với các tiềm năng lợi thế về đất đai, vùng gò đồi cùng lực lượng lao động dồi dào, cùng với điều kiện địa lý và điều kiện tự nhiên rất phù hợp với ngành chăn nuôi gia súc, nên trong nhiều năm qua tỉnh ta đã chú trọng phát triển chăn nuôi qua một loạt chính sách hỗ trợ trực tiếp tới người dân, như chương trình “bể nước, mái nhà, con bò”; chương trình chuyển đổi 1 vạn ha đất nông nghiêp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi; chương trình cải tạo đàn trâu, bò (trâu bò), chương trình nông nghiệp trọng tâm; chương trình 135; chương trình cho vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, để người dân phát triển chăn nuôi hàng hóa, mỗi hộ được vay từ 10 đến 15 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất... Cùng với các mô hình khuyến nông trình diễn, mô hình nuôi trâu bò giẽ phát triển mạnh và thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân trong tỉnh nhận thức rõ hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu bò, đã chủ động bỏ vốn đầu tư phát triển, nên tổng đàn gia súc của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc đầu tư thâm canh trong chăn nuôi nhờ đó bước đầu cũng đã được chú trọng, điển hình là các mô hình vỗ béo đàn bò của bà con nông dân xã Pả Vi và thị trấn Mèo Vạc, các xã lân cận của thị trấn Đồng Văn, nên chu kỳ chăn nuôi gia súc thịt rút ngắn, số lượng trâu bò xuất chuồng tăng nhanh, thu nhập của bà con nông dân từ chăn nuôi cũng cao hơn. Theo số liệu thống kê năm 2005, tổng đàn trâu của tỉnh là 138.104 con, đàn bò 72.697 con và sản lượng xuất chuồng là 2.551,1 tấn thì đến năm 2010, tổng đàn trâu đã tăng vọt lên 158.277 con, đàn bò 101.638 con, sản lượng xuất chuồng đạt 3.000 tấn. Để có được kết quả trên, có thể khẳng định trong các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh đã và đang được triển khai, như chương trình hỗ trợ trâu bò đực giống đã qua bình tuyển 1,2 triệu đồng/con/năm; hỗ trợ chăn nuôi trâu bò hàng hóa mỗi hộ, mỗi cơ sở chăn nuôi được vay tối đa 20 triệu đồng để mua 3 đến 5 con trâu bò được tỉnh hỗ trợ lãi suất trong 24 tháng kể từ ngày giải ngân; hỗ trợ vắc xin vùng II được hỗ trợ 50%, vùng III được hỗ trợ 100% thì chương trình hỗ trợ tiền giống cỏ với mức 900.000 đồng/ha đối với năm đầu tiên nhằm phát triển diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất, tạo nền tảng cơ bản để thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và các huyện vùng cao núi đá của tỉnh nói riêng phát triển. Chỉ trong 5 năm, từ 2006 đến 2010, diện tích trồng cỏ chăn nuôi của tỉnh cũng đã tăng từ 2.665 ha lên 18.760 ha, trong đó tập trung cơ bản trên địa bàn các huyện Mèo Vạc 4.409 ha, Yên Minh 5.129 ha, Quản Bạ 2.860 ha... giải quyết tốt tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc, đặc biệt vào thời điểm mùa đông.


Tuy nhiên, nếu so sánh với tiềm năng lợi thế của tỉnh thì tốc độ phát triển chăn nuôi của tỉnh ta trong những năm qua vẫn còn chậm, năng suất, chất lượng và giá trị số lượng sản phẩm còn thấp. Dịch vụ con giống chất lượng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, cả tỉnh chỉ có duy nhất Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng có nhiệm vụ về giống vật nuôi, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp giống dưới dạng thụ tinh nhân tạo cho bò. Mặc dù tỉnh đã tuyển chọn được đàn trâu bò đực giống và có chính sách hỗ trợ nhưng việc cho giao phối trực tiếp còn hạn chế, đặc biệt là đàn bò đực giống, nguyên nhân là do phương thức chăn nuôi của người dân vùng cao chủ yếu là nuôi bò nhốt chuồng, do đó việc giao phối giữa con đực đã được chọn với con cái khác của các hộ khác rất khó khăn... Với hạn chế này, nên hiện tượng trâu bò giao phối tự do vẫn xảy ra, dẫn đến tình trạng đồng huyết, cận huyết trong đàn gia súc của tỉnh vẫn còn phổ biến, làm suy thoái đàn gia súc về số lượng và chất lượng, cũng như khả năng chống chịu với bệnh tật và tầm vóc đàn gia súc ngày một nhỏ lại.


Nhận thức rõ những hạn chế nêu trên trong phát triển đàn gia súc, tỉnh ta đã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ giai đoạn 2011 - 2015, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 259 tỷ đồng, nhằm đạt được mục tiêu: Phát triển chăn nuôi trâu bò phù hợp với các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra một lượng trâu bò thịt; trâu bò giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống cho bà con nông dân và góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng bền vững. Theo đó, đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh ta sẽ hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội; phát triển một bước việc xã hội hóa công tác giống vật nuôi cũng như trong công tác phòng trừ dịch bệnh. Qua đó, sẽ bình tuyển chọn lọc được những con trâu bò giống tốt để tiếp tục cải tạo đàn trâu bò của tỉnh một cách hiệu quả; nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từ 26% năm 2010 lên 40%, trên cơ sở đạt tổng đàn trâu 214.621 con (tăng bình quân 6%/năm) và tổng đàn bò đạt 152.344 con (tăng bình quân 8%), đồng thời phấn đấu xây dựng được trên địa bàn các huyện trong tỉnh có 1 điểm giết mổ gia súc tập trung, một chợ buôn bán gia súc, ít nhất 1 trạm truyền tinh nhân tạo. Kèm theo đó là các giải pháp thực hiện cũng đã được tỉnh xây dựng, như giải pháp về giống và kỹ thuật chăn nuôi trâu bò tỉnh sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở về công các quản lý giống cũng như thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu bò; đầu tư nguồn vốn để sử dụng kích dục tố gây động dục trở lại cho trâu bò sau đẻ; phấn đấu đến năm 2015 nâng tổng diện tích trồng cỏ chăn nuôi của tỉnh lên con số 30.000 ha, phấn đấu thực hiện tiêu chí các hộ chăn nuôi trong tỉnh phải đảm bảo đạt 500 m2 cỏ chăn nuôi/một con trâu bò, cùng với việc sử dụng thông thạo và thực hiện tốt các biện pháp dự trữ thức ăn cho đàn gia súc...


ĐỨC CƯỜNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực thoát nghèo của người dân xã Tùng Vài
HGĐT- Tùng Vài là xã biên giới của huyện Quản Bạ, người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tổng diện tích tự nhiên của toàn xã là 7.438,6 ha, trong khi đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 902,28 ha, chủ yếu là đất trồng ngô, đất trồng lúa ít.
27/04/2011
Mèo Vạc tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp
HGĐT- Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp (CN - TCN) trên địa bàn huyện Mèo Vạc có bước phát triển mạnh và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, mức tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 32,89%/năm, tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện đã tăng từ 28% năm 2005 lên 32,02 % năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp, thủ
27/04/2011
Giúp người dân Tả Phìn xóa đói, giảm nghèo
HGĐT- Tả Phìn là một trong những xã nằm trong vùng Dự án DPPR của huyện Đồng Văn và cũng là một trong những xã trọng điểm về thiếu nước sinh hoạt cho người dân, thiếu nước chăn nuôi, sản xuất; thiếu đất canh tác của huyện.
22/04/2011
Tạo nguồn lực cho nhiều hộ nghèo ở Quang Bình phát triển
HGĐT- Nằm trong chương trình hỗ trợ của Dự án Phân cấp giảm nghèo (DPPR), tại một số địa phương khó khăn trên bàn huyện Quang Bình đã có nhiều chương trình phúc lợi xã hội được triển khai, nhiều hộ nghèo trực tiếp được hưởng lợi... góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của xã hội, khẳng định hiệu quả thiết thực mà dự án mang lại.
22/04/2011