Thành công từ nguồn vốn vay
HGĐT- Năm 1997, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1971) và chị Nguyễn Thị Nga (SN 1975) rời quê hương (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) lên lập nghiệp ở thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh (Quang Bình) với 2 bàn tay trắng, hai vợ chồng phải bươn chải khắp nơi trong và ngoài huyện.
Chị Nga chăm sóc đàn lợn của gia đình. |
Chị Nga cho biết: Không được như những người khác lên Hà Giang lập nghiệp, vì trong tay họ đã có một khoản vốn để đầu tư sản xuất, còn vợ chồng tôi lên đây chỉ với 2 bàn tay trắng, cuộc sống với biết bao khó khăn vất vả... Khi đó chồng hàng ngày phải đi làm thợ mộc còn vợ ở nhà chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập chỉ đủ chi tiêu hàng ngày.
Cuộc sống cứ trôi đi, sau 3 năm làm ăn không biết mệt mỏi, vợ chồng tích góp được khoảng 10 triệu kết hợp với vay mượn nên gia đình mua đất trồng cam. Tưởng rằng cây cam sẽ là hướng đi mới để gia đình lập nghiệp, nhưng thời điểm đó thị trường cam mất giá, cây cam hay bị sâu bệnh phá hoại... nên sản lượng và thu nhập không mấy khả quan. Năm 2007, anh chị quyết định chuyển sang chăn nuôi, năm đó gia đình vay được 30 triệu của Ngân hàng NN&PTNT huyện đầu tư nuôi 4 con lợn sinh sản, sau đó phát triển thành lợn thịt. Nhờ đó, mỗi năm một con lợn sinh sản 2 lứa mỗi lứa từ 10- 12 con, thông qua hình thức nuôi luân chuyển từ lợn con phát triển thành lợn thịt và cứ như vậy, sau vài lứa nuôi hiệu quả được khẳng định rõ rệt,mỗi năm gia đình bán ra thị trường gần 5 tấn thịt. Sau 3 năm đầu tư chăn nuôi đạt hiệu quả, đến năm 2010 gia đình đã hoàn trả được vốn vay cho ngân hàng và dư ra một khoản vốn để tái đầu tư sản xuất...
Đầu năm 2011, gia đình tiếp tục vay 200 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT huyện, kết hợp với vốn gia đình tích góp được và vay thêm để phát triển chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và mở đại lý kinh doanh cám trên địa bàn... Hiện nay, gia đình đã xây được 19 lô chuồng, mỗi lô rộng 12m2, với tổng đàn lợn gần 200 con, công việc kinh doanh cám rất thuận lợi.
Để đạt được hiệu quả cũng như phương pháp chăn nuôi, chị Nga cho biết: Hiện nay, gia đình không phát triển chăn nuôi ồ ạt cùng một lứa mà theo hình thức “nuôi gối”, nhờ đó tháng nào gia đình cũng có lợn bán ra thị trường, trung bình mỗi thángtừ 2,5 - 3 tấn thịt lợn hơi. Thời gian vừa qua, trên địa bàn xảy ra dịch bệnh LMLM ở gia súc, với tài sản lớn trong tay nếu như không có cách chăn sóc, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả sẽ nguy cơ mất trắng. Trước thực trạng đó, gia đình chủ động phun thuốc, khử trùng, bón vôi xung quanh khu vực chuồng trại và có sự theo dõi thường xuyên... Nhờ đó, năng suất chăn nuôi tăng nhanh, trung bình mỗi lứa nuôi từ 2,5 - 3 tháng là có trọng lượng từ 68 -70 kg. Như vậy, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên 20 tấn thịt...; ngoài ra, gia đình còn nuôi trên 200 con gà thịt...
Với tính cần cù chịu khó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, gia đình anh Sơn và chị Nga cùng rất nhiều hộ gia đình khác ở xã Tân Trịnh nói riêng và huyện Quang Bình nói chung đều sử dụng vốn vay đúng mục đích trong phát triển kinh tế gia đình. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Trọng Văn, Chủ tịch UBND xã Tân Trịnh, cho biết: Hiện nay, toàn xã Tân Trịnh có rất nhiều tổ chức, cá nhân vay vốn Ngân hàng NN&PTNT, đa số mọi nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích như: Vay vốn trồng rừng, vay đầu tư phát triển chăn nuôi... Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn xã Tân Trịnh, các hộ gia đình vay vốn phát triển chăn nuôi đều đạt hiệu quả kinh tế cao.
Chính nhờ sở dụng vốn vay hiệu quả, đã có nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu một cách chính đáng ngay trên mảnh đất địa phương. Nhưng hiện nay, qua trao đổi với chúng tôi một số hộ gia đình đang vay vốn Ngân hàng đều cho biết: Lãi suất cao, thời hạn cho vay của Ngân hàng quá ngắn, nếu đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc sẽ không kịp quay vòng vốn... Hy vọng, thời gian tới Ngân hàng NN&PTNT sẽ có chính sách hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân an tâm vay vốn phát triển kinh tế.
Ý kiến bạn đọc