Mèo Vạc tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để xóa đói giảm nghèo bền vững
HGĐT- Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân, tỉnh ta nói chung, huyện Mèo Vạc nói riêng đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác này. Đặc biệt việc đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Mèo Vạc là một trong những huyện điển hình về đưa các tiến bộ KHKT ứng dụng vào thực tiễn tại địa phương và đạt được nhiều kết quả tốt.
Khẳng định những kết quả đã đạt được trong những năm qua, đồng chí Nguyễn Chí Thường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với điều kiện tự nhiên, khí hậu của một huyện vùng cao núi đá khắc nghiệt, khó khăn, diện tích đất canh tác thì ít, núi đá thì nhiều nên huyện xác định tập trung chỉ đạo các ngành chức năng vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng việc đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Đặc biệt trong những năm qua việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi trâu, bò, trồng cỏ đã đạt được kết quả cao, đến nay đàn bò của toàn huyện phát triển mạnh và trở thành hàng hóa. Nếu như năm 2005 đàn trâu, bò của toàn huyện chỉ có 22.028 con thì đến hết năm 2010 đàn trâu, bò của huyện đã tăng lên 29.392 con, tốc độ tăng bình quân 6,7%/năm, bình quân mỗi hộ có 2,3 con trâu, bò, tăng 0,5 con so với năm 2005. Đến nay 100% các hộ có điều kiện chăn nuôi đều có ít nhất 1 con trâu, bò trở lên, 1.100 hộ có từ 10 con bò và 30 con dê trở lên. Bên cạnh đó việc phát triển chăn nuôi ngựa trên địa bàn huyện cũng được quan tâm đáng kể, đàn ngựa ngày một tăng lên từng năm. Cùng với việc phát triển đàn trâu, bò, huyện cũng đã chỉ đạo nhân dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và trồng cỏ để làm thức ăn cho đàn trâu, bò, hầu hết các giống cỏ đều là giống có năng suất, chất lượng như cỏ Voi, cỏ Goatemala. Mấy năm trở lại đây huyện tiếp tục chỉ đạo nhân dân đưa tiếp giống cỏ VA06 vào trồng đại trà, nhằm thay thế dần diện tích cỏ đã già cỗi, nhằm bổ sung thức ăn thô xanh cho đàn gia súc. Cũng nhờ có sự quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cùng với sự đầu tư của nhà nước nên từ năm 2006 đến nay diện tích cỏ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã tăng lên đáng kể và cơ bản đáp ứng được nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, từ đó số hộ có từ 5 con trâu, bò trở lên ngày một tăng, hạn chế được việc chăn nuôi trâu, bò chăn thả rông. Tính đến nay toàn huyện đã có 4.300 ha cỏ để làm thức ăn cho đàn trâu, bò... Ngoài việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi đàn trâu, bò hàng hóa và trồng cỏ, các tiến bộ KHKT khác cũng đã được huyện đưa vào áp dụng trong sản xuất như đưa các giống lúa, ngô, đậu tương năng suất cao vào gieo trồng và đạt được hiệu quả thiết thực, vì thế màtrong 5 năm qua toàn huyện đã có 5.661 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 65,8% năm 2005 xuống còn 28,17% vào cuối năm 2010 (theo tiêu chuẩn giai đoạn 2006 – 2010), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25%, trong đó đào tạo nghề lao động tại nông thôn đạt 12,26%...
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã nghèo trong huyện, bảo đảm ngang bằng các xã khác trong huyện, đồng chí Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Mục tiêu lớn nhất của huyện đó là tiếp tục đưa các tiến bộ KHKT vào để ứng dụng cho sản xuất và chăn nuôi, đây là vấn đề quan trọng để hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phù hợp với đặc điểm của từng xã, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bình quân từ 6% trở lên, tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiếtyếu được đầu tư, từng bước phát triển lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bước đầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo tập trung vào 3 mũi nhọn gồm: chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, chuyển đổi đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu. Phấn đấu lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn trên 35%. Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội, kết hợp với hiệu quả các nguồn lực cho quá trình phát triển của huyện. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công thôn bản, phấn đấu 100% số hộ nghèo được hướng dẫn về kiến thức KHKT, kỹ năng sản xuất kinh doanh, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kiến thức về chi tiêu trong gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về gương người nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo, phát triển các hình thức hợp tác sản xuất và nhân rộng các mô hình, điển hình giảm nghèo vươn lên làm giàu có hiệu quả...nhằm thúc đẩy, khuyến khích ý chí tự lực, tự cường quyết tâm vượt nghèo của mọi người dân...
Ý kiến bạn đọc