Kinh tế biên mậu ở Xín Mần
HGĐT- Xín Mần có 4 xã biên giới với nước bạn Trung Quốc. Nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình thúc đẩy hoạt động giao thương kinh tế với các nước qua các cửa khẩu để thúc đẩy nền kinh tế trong nước, Hội nhập kinh tế quốc tế; trong những năm gần đây, được sự cho phép của T.Ư, của tỉnh, Xín Mần đã từng bước mở rộng quan hệ với chính quyền huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên tinh thần “16 chữ vàng” đã được Chính phủ 2 bên hợp tác, thúc đẩy trong những năm qua.
Với lợi thế 4 xã giáp ranh, hai bên dân cư, 2 chính quyền của 2 huyện (Xín Mần, tỉnh Hà Giang, Việt Nam – Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã quan hệ thân thiện, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, gắn kết ngoại giao kinh tế đã làm cho việc giao lưu thương mại giữa vùng giáp ranh phát triển trên cơ sở: Tôn trọng chủ quyền, hợp tác, cùng có lợi để phát triển vì lợi ích của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tiến trình phát triển trên được đầu tư từng bước, qua từng năm, từng giai đoạn và đến hết năm 2010, đầu năm 2011 nền kinh tế biên mậu ở Xín Mần đã có những thành công đáng ghi nhận. Tại xã Xín Mần nơi cửa khẩu 198 (Đô Long) hay còn gọi là cửa khẩu Mốc 5 đã cơ bản xây dựng theo quy hoạch giai đoạn 2005 – 2010 với quy mô 10 ha, có tính đến giai đoạn phát triển 2015. Trong đó bao gồm: Đất cho phát triển giao thông (lưới giao thông trong vùng quy hoạch) là 1,5 ha; đất dân cư 0,86 ha; đất kho bãi thương mại 5,5 ha; đất xây dựng các công trình phúc lợi, cơ quan hành chính, quản lý cửa khẩu 2,4 ha bao gồm các hạng mục: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật (bao gồm quy hoạch, cấp điện, san ủi mặt bằng, giao thông, cấp nước, thoát nước, kè chống sạt lở) với số vốn đầu tư gần 48 tỷ đồng. Hai là xây dựng các công trình (Quốc môn, Trạm kiểm soát, kho bãi, chợ, khu dịch vụ, khu biên phòng, y tế, trường học, các dịch vụ khác...) tổng kinh phí đầu tư là 77.433,5 triệu đồng. Hiện tại vốn đã cấp là 28 tỷ đồng, bằng 36% tổng vốn đầu tư. Trong giai đoạn và tầm nhìn hiện nay cùng với chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, huyện Xín Mần đã xúc tiến công tác quy hoạch xây dựng giai đoạn II mở rộng. Theo văn bản số 1365 ngày 7.5.2010 của UBND tỉnh Hà Giang cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch cửa khẩu Xín Mần (Mốc 5 cũ) – Đô Long giai đoạn 2010 – 2020 tầm nhìn 2025 với quy mô từ 10 ha lên 20 ha. Hiện nay bản đồ quy hoạch đã hoàn tất và đã, đang mở ra cơ hội cũng như thời cơ tạo đà cho Xín Mần phát triển mạnh kinh tế biên mậu với Trung Quốc tại huyện Xín Mần và Mã Quan. Nhận biết và nắm bắt thời cơ trên, chính quyền 2 huyện Xín Mần (Hà Giang – Việt Nam) và Mã Quan (Vân Nam – Trung Quốc) đang xúc tiến nhanh tiến bộ đầu tư xây dựng cũng như mở rộng các hoạt động ngoại giao, thúc đẩy phát triển trong sự tôn trọng và ổn định trên toàn khu vực. Hội nhập nền kinh tế, gắn liền với mở rộng nền kinh tế thương mại biên mậu là một hướng phát triển đi lên của xu thế thế giới trong giai đoạn hiện nay. Cơ hội và thời cơ đó đã đến với Xín Mần rất rõ trong việc giao lưu trao đổi thương mại ngay trong quý I.2011. Theo báo cáo của UBND huyện Xín Mần trong quý I.2011, kim ngạch trao đổi nơi đây đã đạt 1.236,403 triệu đồng. Trong đó hàng hóa nhập khẩu chính ngạch đạt 931.103 triệu đồng... Đã có nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào Xín Mần tìm hiểu, hợp tác kinh tế, tìm kiếm cơ hội làm ăn. Mới đây nhất UBND tỉnh Hà Giang cũng đã đồng ý cho một số doanh nghiệp được phép nhập khẩu hàng hóa với số lượng lớn qua cửa khẩu Xín Mần theo đúng quy định của pháp luật Việt
Không riêng gì nơi cửa khẩu Xín Mần mà ngay tại các xã biên giới như: Pà Vầy Sủ, Chí Cà, Nàn Xỉn sự trao đổi buôn bán giữa đồng bào 2 bên cũng diễn ra khá sôi động. Các loại hàng hóa nông, lâm sản, hàng tiêu dùng cũng được trao đổi mạnh mẽ qua các chợ phiên. Tại xã Pà Vầy Sủ, Nàn Xỉn chợ phiên họp vào thứ 5 hàng tuần. Ở xã Chí Cà, Xín Mần họp vào thứ 6 hàng tuần. Đi liền sự giao lưu hàng hóa là sự thăm thân, giao lưu về văn hóa giữa các dân tộc anh em của 2 nước, của đồng bào trong các vùng trong nước cũng được đẩy mạnh, tạo ra sự giao thoa văn hóa và hợp tác thân thiện. Để thúc đẩy mạnh, nhanh hơn nữa kinh tế biên mẫu tại Xín Mần nói riêng, trong tỉnh Hà Giang nói chung thì rất cần sự đầu tư của tỉnh, các bộ, ngành, sự ủng hộ của T.Ư. Một mặt cần sự nỗ lực cố gắng hợp tác, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng luật pháp, chủ quyền của các cấp chính quyền sở tại dựa trên cơ sở pháp luật cho phép. Sự hợp tác, tôn trọng, cùng phát triển là thông điệp gửi tới các nơi với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu ở Xín Mần hiện nay đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nhân, đồng bào của cả nước bạn Trung Quốc, đồng bào Việt Nam trong, ngoài nước đầu tư về Xín Mần cùng xây dựng kinh tế cửa khẩu lớn mạnh, xây dựng Xín Mần – Hà Giang và tổ quốc Việt Nam ngày một giàu mạnh, văn minh.
Ý kiến bạn đọc