Cần chú trọng phát triển mạnh diện tích các loài cây dược liệu tại 4 huyện vùng cao

17:25, 13/05/2011

HGĐT- Trên địa bàn 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh, người dân địa phương từ lâu đã trồng và bán nhiều loại cây dược liệu khác nhau như Thảo quả, Hương thảo, Đỗ trọng, Đương quy, Gừng, Nghệ, Hà thủ ô, Ý dĩ, Xa nhân, Hoàng tinh...


 

 Thảo quả một trong những loại dược liệu được trồng phổ biến trong tỉnh.


Tuy nhiên, diện tích trồng các loại cây dược liệu của bà con còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nguồn nguyên liệu tập trung và tạo ra được thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có sự đầu tư cho sự quảng bá sản phẩm dược liệu của địa phương, chưa có nhà đầu tư liên doanh, liên kết xây dựng kế hoạch phát triển các loại cây dược liệu theo quy mô nhất định, vì thế việc tổ chức sản xuất các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nói riêng còn mang tính tự phát và thiếu tính bền vững, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển kinh tế tại 4 huyện này.


Như đã nêu trên, tập đoàn cây dược liệu hiện có trên địa bàn 4 huyện vùng cao rất đa dạng, nhưng do thị trường tiêu thụ những năm gần đây chỉ còn tập trung vào một số loài chính như cây thảo quả là mặt hàng được nước bạn Trung quốc tiêu thụ mạnh. Đây là loài cây có giá trị kinh tế cao được trồng dưới tán các khu rừng tự nhiên, rừng tái sinh nơi có độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ vì thế càng phát triển nhiều diện tích thảo quản thì đồng nghĩa là càng có nhiều khu rừng tự nhiên được người dân sở tại triệt để bảo vệ. Có thể khẳng định đây là biện pháp bảo vệ rừng tự nhiên hữu hiệu nhất và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất so với các biện pháp quản lý bảo vệ rừng đang được triển khai thực thi hiện nay trên địa bàn tỉnh. Bình quân 1 ha thảo quả sẽ cho thu hoạch trên dưới 200 kg khô và sẽ cho thu hoạch khoảng 35 triệu đồng/ha/năm. Do đó diện tích trồng thảo quả tăng nhanh hàng năm, đến nay trên địa bàn 4 huyện có gần 2.135 ha, trong đó tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Quản Bạ 2.033 ha. Cây Đỗ trọng là cây đa tác dụng, vừa là cây dược liệu vừa là cây lâm nghiệp những năm trước đây đã được tỉnh khuyến khích trồng trên địa bàn 4 huyện vùng cao, nhưng do thị trường hiện tại ít tiêu thụ nên người dân không mở rộng diện tích, không những thế những diện tích còn lại cũng phân tán nhỏ lẻ tại các gia đình, chủ yếu tập trung tại hai huyện Đồng văn, Mèo vạc. Cây Hương thảo là loại cây dược liệu mới được người dân huyện Quản Bạ đưa vào trồng 7 năm trở lại đây, đây cũng là loại cây trồng dưới tán rừng nên tính hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng tương tự như cây thảo quả. Nhưng đặc biệt hơn là 1 năm loại cây này có thể cho thu hoạch từ 2 đến 3 lứa với năng suất đạt 1,5 đến 2 tấn khô/ha và giá bán sản phẩm khá cao, 1 ha hương thảo cho người dân thu nhập từ 400 dến 500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ loại cây này chủ yếu bán qua đường tiểu ngạch sang nước bạn Trung Quốc. Còn lại những loại cây dược liệu khác như cây Actiso mới được đưa vào trồng thử nghiệm ở huyện Đồng Văn, Quản Bạ với diện tích hạn chế 20 ha; cây Chè dây, cây nghệ được người dân chủ yếu thu hái trong tự nhiên chưa được chú trọng trồng, hoạch nếu có trồng như cây gừng, cây ấu tẩu cũng chỉ trồng nhỏ lẻ xung quanh nhà nên sản phẩm thu hoạch còn hạn chế chưa hình thành được một thị trường chuyên biệt.


Với 234.763 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có rừng là 77.301 ha, nhiệt độ trung bình hàng năm đạt khoảng 20 đến 23 độ C và có độ ẩm trung bình cao tới 80%. Đặc biệt là địa bàn không bị tác động ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp, dân số 4 huyện vùng cao được đánh giá là dân số trẻ vì có tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi chiếm gần 50%, đặc biệt có tới 53,07% dân số trong độ tuổi lao động, với nguồn lao động dồi dào như trên là điều kiện thuận lợi để khu vực 4 huyện này phát triển trồng các loài cây dược liệu truyền thống theo vùng tập trung mang tính sản xuất hàng hóa. Sự cần thiết này càng quan trọng hơn khi trong điều kiện thực tiễn hiện nay, 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh lại là 4/6 huyện nghèo của tỉnh, được hỗ trợ phát triển kinh tế theo Nghị quyết 30a và là vùng có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, trong 234.763 ha đất tự nhiên chỉ có 62.148 ha đất sản xuất nông nghiệp, tuy chỉ chiếm 26% diện tích đất tự nhiên nhưng hầu hết năm ở vùng có độ cao trung bình 600 m so với mực nước biển, điều kiện tưới tiêu gần như không có nên việc canh tác sử dụng đất chỉ đạt 1,3 lần/năm, trong khi đó đời sống người dân 4 huyện này lại chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, dẫn đến hiệu quả lao động của người dân nơi đây rất thấp, thu nhập của đa số người dân mới chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày chưa có tích lũy, nên tỷ lệ đói nghèo còn ở mức trên 60%.


Để góp phần ổn định đời sống kinh tếcủa người dân 4 huyện vùng cao núi đá, song song với việc trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng cần phát huy tối đa diện tích đất dưới tán rừng để duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu ở khu vực này. Trồng và sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu đặc sản sẽ đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách đến tham quan du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, đã được tỉnh coi là hướng đi đúng đắn có tính khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm đem lại lợi nhuận cao và làm tăng tính ổn định bền vững hệ sinh thái rừng, lại không ảnh hưởng đến quỹ đất của cây trồng khác. Tỉnh ta đã định hướng trong 3 năm tới sẽ phát triển thêm 4.000 ha diện tích các loại cây dược liệu trên địa bàn 4 huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh. Đó cũng là nguyện vọng của bà con các dân tộc 4 huyện vùng cao, với hy vọng sự vào cuộc của các cấp và ngành chức năng trong tỉnh ngày một sát sao hơn, qua đó tổ chức được nhiều mối quan hệ liên doanh, liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh giữa tỉnh với các công ty và nhà sản xuất có uy tín trong và ngoài nước; xây dựng được các giải pháp hữu hiệu trong việc tiêu thụ sản phẩm dược liệu của người dân 4 huyện vùng cao sản xuất ra một cách bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao.


LAN HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp
HGĐT- Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp (CN - TCN) trên địa bàn huyện Mèo Vạc có bước phát triển mạnh và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, mức tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 32,89%/năm, tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện đã tăng từ 28% năm 2005 lên 32,02 % năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp, thủ
27/04/2011
Sử dụng giống cao su chịu lạnh cho Chương trình phát triển cây cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc
HGĐT- Việc cây cao su ở khu vực miền núi phía Bắc bị chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2010, đầu năm 2011 vừa qua, ngoài yếu tố thời tiết khắc nghiệt bất thường cũng cần phải nói đến một trong những nguyên nhân, đó là chúng ta lựa chọn giống cây kém khả năng chịu lạnh. Tuy nhiên, việc Trung Quốc, một quốc gia ở phía bắc bán cầu lại phát triển thành công cây
13/05/2011
Vị Xuyên: Tích cực phòng, tránh bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
HGĐT- Trong những năm qua, thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Vị Xuyên đã quan tâm chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, đưa chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò trở thành hàng hóa và là động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.
13/05/2011
Thực trạng và định hướng phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh ta
HGĐT- Trong những năm qua, nghề chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta có sự chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi trong ngành nông nghiệp từ 23,5% năm 2005 tăng lên gần 26% vào năm 2010, tạo được một bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
13/05/2011