Phát triển kinh tế rừng hướng đi trong XĐGN ở Quang Bình
HGĐT- Là huyện có tiềm năng trong phát triển kinh tế rừng, vài năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nhân dân trong phát triển kinh tế rừng như: Giao khoán rừng cho từng hộ gia đình, các chương trình dự án được triển khai sâu rộng đến đông đảo người dân… Đến nay nhiều diện tích rừng trên địa bàn huyện Quang Bình đang bạt ngàn màu xanh và đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo thống kê diện tích tự nhiên toàn huyện hiện có là 79.289 ha, trong đó diện tích lâm nghiệp là 57.302 ha, diện tích rừng là 47.088,6 ha, được phân chia ra làm 2 loại rừng, gồm rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Với mục tiêu là đưa lâm nghiệp trở thành một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, từ năm 2005 đến nay, toàn huyện trồng mới được 8786 ha, trong đó chương trình trồng 5 triệu ha (thuộc Dự án 661) của Chính phủ là 3754 ha, rừng trồng thuộc Chương trình 135 là 606 ha, các chương trình khác do nhân dân, doanh nghiệp tự túc trồng được 4420 ha, chủ yếu là trồng cây keo và một số diện tích cây mỡ và xoan. Để chương trình trồng rừng đạt hiệu quả, nhất là rừng thuộc Dự án 661, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án huyện đã thành lập Ban quản lý dự án do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, có trách nhiệm phối hợp với UBND các xã tổ chức thực hiện. Sau 1 thời gian ngắn (từ đầu năm 2005) triển khai thực hiện dự án, phong trào trồng rừng đã phát triển sâu rộng ở nhiều địa phương, tiêu biểu như các xã Yên Hà, Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên… Đến nay, sau 6 năm triển khai thực hiện nhiều diện tích cây keo, xoan của các hộ gia đình đã cho thu hoạch, đường kính thân cây từ 80 – 120cm2. Đây là một loại cây có tốc độ sinh trưởng, phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai địa phương, là cây cải tạo đất, việc thu mua rất thuận lợi.
Anh Hoàng Văn Lãng, một nông dân ở xã Tiên Yên cho biết: từ quỹ đất của gia đình trước đây không biết trồng cây gì, chỉ để hoang và làm nơi chăn thả gia súc. Năm 2005, nhờ Dự án 661 của Chính phủ gia đình trồng được 1ha cây keo, hàng năm cùng với nguồn vốn hỗ trợ về phân bón và công tác chăm sóc, quản lý tốt đến nay gần 1 ha cây keo đã cho thu hoạch...
Để phát triển kinh tế rừng trở thành nguồn lực chính trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần vào công cuộc XĐGN ở địa phương huyện Quang Bình đã có chính sách khuyến khích cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác trồng rừng. Cụ thể giao là khoán rừng cho từng hộ gia đình quản lý, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng hương ước làng bản, không chăn thả gia súc tại những khu vực rừng trồng… Với sự cố gắng trong công tác chỉ đạo giữa lãnh đạo huyện và các ban ngành liên quan, đến nay phát triển kinh tế rừng đang là hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, góp phần đáng kể vào công cuộc XĐGN hiện nay. Với những cơ chế chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho nhân dân được làm chủ trên diện tích rừng của gia đình... Trao đổi với Bà Hoàng Thị Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện nay huyện Quang Bình đang chú trọng vào phát triển ngành lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển cây keo theo hướng hàng hóa. Trước xu thế của thị trường hiện nay thì cây keo đang là một trong những cây có vị thế quan trọng cho ngành công nghiệp.
Có thể khẳng định phát triển kinh tế rừng đang là hướng đi mới trong XĐGN ở huyện Quang Bình. Nhưng để sản phẩm lâm nghiệp thật sự mang lại hiệu quả kinh tế đến với nhân dân, hơn lúc nào hết, người nông dân rất cần chính quyền địa phương có những chính sách hợp lý để kêu gọi các công ty, doanh nghiệp có uy tín về địa phương thu mua sản phẩm, tránh để các nhà tư thương “lộng hành” thu mua và xảy ra tình trạng ép giá.
Ý kiến bạn đọc