Nghị định 41 của Chính phủ
Rộng đường cho “tam nông phát triển”
HGĐT - Nghị định 41 của Chính phủ được triển khai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thêm điểm tựa vững chắc cho phát triển kinh tế.
Trước kia, người nông dân còn rụt rè với những quyết định vay vốn để phát triển kinh tế, thì nay họ đã mạnh dạn xây dựng dự án mang tới ngân hàng đề nghị vay, mà vay tới 50 triệu đồng đối với hộ sản xuất nông nghiệp, 200 triệu đồng với hộ, cá nhân sản xuất ngành nghề, phục vụ dịch vụ nông nghiệp và 500 triệu đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác không cần phải thế chấp tài sản. Đây thực sự là cơ hội để người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giầu, một trong những điều kiện cần để xây dựng nông thôn mới... Tỉnh ta có hơn 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính vì những đặc thù đó mà ngay từ khi Nghị định 41 của Chính phủ được ban hành tỉnh đã xem đây là một nhiệm vụ quan trọng và cần được quan tâm triển khai nhanh chóng, sâu rộng tới các cấp các ngành và mọi tầng lớp nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã bắt tay thực hiện. Ngân hàng No&PTNT tỉnh Hà Giang với chức năng nhiệm vụ của mình đã khẩn trương triển khai Nghị định 41 vào cuộc sống. Ngay từ những ngày đầu có hướng dẫn thực hiện của ngân hàng cấp trên, Ngân hàng No&PTNT tỉnh Hà Giang thành lập ban chỉ đạo, từ các phòng ban đến 12 chi nhánh toàn tỉnh thực hiện ký cam kết, nghiêm túc thực hiện với tinh thần minh bạch, công khai, đúng đối tượng và quy trình nghiệp vụ; tổ chức hội nghị triển khai tới tận cơ sở để Nghị định 41được chính người nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp hiểu rõ, đây là cơ hội cho người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm và các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển ngành nghề mở rộng sản xuất.
Sau gần một năm triển khai thực hiện, Ngân hàng No&PTNT tỉnh Hà Giang đã giải ngân được trên 400 tỷ đồng cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó 220 tỷ đồng được giải ngân từ nguồn vốn tái cấp của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đồng vốn đầu tư tín dụng của ngân hàng mà hàng trăm hộ nông dân tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh có tư liệu sản xuất như: Sức kéo, phân bón và giống cây trồng mới, bà con đã chủ đông cho mùa vụ đúng tiến độ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã vượt qua khó khăn và làm ăn có lãi, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Với phương châm “ Đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân” Ngân hàng No&PTNT tận tình hướng dẫn nông dân quy trình thủ tục vay vốn, giải thích các ưu đãi của Nghị định để người nông dân hiểu và dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cùng với suy nghĩ “ba cùng” (cùng tìm, cùng tính, cùng làm) nên Ngân hàng và khách hàng luôn tìm ra tiếng nói đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Anh Lý Xuân Lù, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tâm sự: Nhờ Nghị định 41, người nông dân có được “con đường rộng” cho phát triển kinh tế. Trước kia người nông dân chỉ được vay không phải bảo đảm bằng tài sản tới 10 triệu đồng thì nay đã được nâng lên đến mức 50, 200 triệu đồng, thủ tục vay vốn đã có phần thông thoáng song vẫn đảm bảo được nguyên tắc pháp lý. Với “con đường rộng” này thì con đường thoát nghèo đi lên khá giầu của người nông dân ngắn đi nhiều. Chị Nguyễn Thị Phương, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Mạnh Tuấn (một đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp) cho biết: Nhờ có 41 mà các đại lý của công ty tại 10 huyện trong tỉnh có vốn để dự trữ phân bón, giống cây, con ngay từ đầu vụ, đây là điều kiện để công ty và các đại lý chủ động hàng cung ứng cho bà con khi mùa vụ tới, đồng thời ổn định được giá bán, không như mọi năm giá bán luôn bấp bênh khi mùa vụ tới...
Thực sự đây là một tín hiệu mừng cho bước đầu thực hiện một nghị định mới.
Năm 2011 là năm đầu Hà Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và tập trung thực hiện “ 4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm”. Trong đó nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn được đặt ưu tiên hàng đầu: Tạo mọi nguồn lực cho các địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều cánh đồng đột phá về năng suất, phát triển mạnh mẽ các ngành nghề mới cũng như truyền thống để tạo lực cho nông thôn phát triển, ưu tiên chú trọng tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nhằm thực hiện việc sản xuất có sự tham gia của “4 nhà”...
Với những thành quả đạt được ban đầu của Nghị định 41, hy vọng rằng tỉnh Hà Giang nói chung và Ngân hàng No&PTNT tỉnh Hà Giang nói riêng, sẽ thu được nhiều thành quả trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến bạn đọc