Mèo Vạc tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp
HGĐT- Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp (CN - TCN) trên địa bàn huyện Mèo Vạc có bước phát triển mạnh và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, mức tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 32,89%/năm, tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện đã tăng từ 28% năm 2005 lên 32,02 % năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp năm 2010 đạt 60 tỷ đồng, tăng 5,28 lần so với năm 2005.
Nhà máy tuyển luyện quặng Sơn Vĩ đi vào hoạt động góp phần đưa sản xuất CN - TCN của huyện ngày càng phát triển. |
Các ngành công nghiệp phát triển đột phá như thủy điện, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tăng nhanh về cả số lượng và quy mô (từ205 cơ sở năm 2005 lên 250 cơ sở năm 2010, tăng cả về số hộ sản xuất và số hợp tác xã khai thác vật liệu xây dựng). Trong 5 năm qua đã phát triển thêm 6 hợp tác xã khai thác, 6 Công ty TNHH một thành viên tham gia sản xuất khai thác vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, công nghiệp - thủ công nghiệp của huyện chủ yếu là quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh còn thấp, phân bổ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp không đồng đồng đều giữa các vùng trên địa bàn huyện.
Các cơ sở sản xuất CN - TCN, ngành nghề truyền thống và sản xuất cá thể, hộ gia đình phát triển mạnh đã thu hút, tạo công ăn việc làm cho người lao động (năm 2005 có 350 lao động, đến năm 2010 tăng lên 1.150 lao động). Kết quả sản xuất một số sản phẩm chủ yếu gồm công cụ cầm tay 27.300 chiếc, khai thác đá, cát, sỏi hàng năm đạt 35-40 ngàn m3, khai thác quặng Angtimon 2.000 tấn, hàng năm cung cấp nước sinh hoạt từ 90-100 ngàn m3. Các nhà máy thủy điện, nhà máy tuyển luyện quặng, các công trình xây dựng trên địa bàn đã thu hút hàng nghìn lao động, tạo thêm thu nhập cho người dân, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Công nghiệp thủy điện là ngành công nghiệp có thế mạnh để phát triển nhất, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay trên địa bàn huyện có 4 nhà máy thủy điện đang đầu tư với tổng công suất lắp máy 204MW, trong đó 3 nhà máy đã khởi công xây dựng đó là thủy điện Nho Quế 1 công suất thiết kế 36 MW, hiện đang thực hiện công tác đền bù tái định canh, định cư và đã thi công hoàn thành một số hạng mục phụ trợ; Thủy điện Nho Quế 3 công suất thiết kế 110MW dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào cuối quý II.2011; Thủy điện Sông Nhiệm 3 công suất thiết kế 10MW hiện đang thực hiện công tác đền bù tái định canh, định cư, chuẩn bị khởi công xây dựng; Thủy điện Nho Quế 2 công suất thiết kế 48MW, hiện đang thực hiện bước thiết kế kỹ thuật – thi công và lập phương án đền bù, tái định canh, định cư. Mạng lưới cấp điện đã có ở 18/18 xã, thị trấn với 94 xóm bản có điện; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 44,6%. Như vậy việc đầu tư vào ngành công nghiệp điện còn rất lớn, nhất là đường dây truyền tải điện, các trạm hạ thế ở các xóm bản. Bên cạnh đó công nghiệp khai khoáng là một trong hai ngành công nghiệp có thế mạnh. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 mỏ Ăngtimon đang khai thác, đó là: Bản Trang xã Xín Cái; Phe Thán, Lẻo Chá Phìn A xã Sơn Vĩ; Pó Ma xã Khâu Vai; có 3 nhà máy thiêu luyện quặng (ở xã Sơn Vĩ của công ty Bảo An, xã Giàng Chu Phìn của hợp tác xã 3/2 và ở xã Khâu Vai của Công ty Cổ phần khoáng sản quốc tế (VCC) đang hoàn thiện quy trình sản xuất. Tổng khối lượng khai thác quặng của các đơn vị này đã tăng từ 500 tấn năm 2005 lên 2.000 tấn năm 2010. Ngoài các điểm mỏ trên còn có các điểm mỏ chì, kẽm ở Sủa Nhè Lử xã Xín Cái, Khai Hoang I xã Thượng Phùng, Bôxít nhôm ở thị trấn Mèo Vạc, Lũng Pù, sắt ở Thăm Noong - Tát Ngà và các điểm có vàng sa khoáng ở Bản Tại xã Niêm Sơn, xã Niêm Tòng đang trong giai đoạn thăm dò trữ lượng. Các điểm mỏ này có nhiều triển vọng khai thác, chế biến ở quy mô vừa và nhỏ. Về công nghiệp chế biến, thủ công nghiệp các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh, tập trung vào sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, một số sản phẩm có chất lượng và đã xây dựng thương hiệu, đặc sản của địa phương như: Mật ong Bạc hà,rượu ngô Ha ía, Hoàng tinh được thị trường trong và ngoài tỉnhđánh giá cao, có sức tiêu thụ tốt.
Để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển sản xuất CN– TCN, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 27%/năm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện đến năm 2015 chiếm 43,65%; giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp trên 350 tỷ đồng, huyện đã chỉ đạo tập trung chủ yếu vào khai thác khoáng sản, thủy điện, điện sản xuất, khai thác đá, cát, sỏi... xây dựng từ 10 làng nghề trở lên, phát triển mạnh các hợp tác xã thủ công nghiệp. Tăng sản lượng khai thác và nâng cao giá trị, chất lượng thành phẩm của sản phẩm khai khoáng, sản lượng khai thác và chế biến đạt trên 4.000 tấn kim loại trở lên, điện sản xuất 800 triệu Kw/h/năm, đá, cát, sỏi khai thác trên 50.000 m3; tạo việc làm mới mỗi năm trong ngành tăng khoảng 400 - 500 người, đến năm 2015 có khoảng 4.000 người. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp thủy điện, đưa tổng công suất phát điện của các nhà máy thủy điện lên 800 triệu Kw/h/năm vào năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp điện đạt từ300-400 tỷ đồng/năm. Hoàn thành việc xây dựng đưa vào vận hành sản xuất nhà máy thủy điện Nho quế 3 trong năm 2012, với tổng công xuất 110 MW, điện sản xuất bình quân 565 triệu Kw/h/năm. Hoàn thành việc xây dựng đưa vào vận hành sản xuất nhà máy thủy điện Nho Quế 1, 2 và thủy điện Sông Nhiệm trong năm 2014 với tổng công suất 94 MW. Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ tại các xã có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên như xã Nậm Ban, Tát Ngà, Niêm Sơn, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng từ 1đến 3 công trình thủy điện nhỏ. Gắn đầu tư xây dựng nhà thủy điện với đầu tư xây dựng đường dây tải điện một cách đồng bộ hòa mạng lưới điện quốc gia, hoàn thiện các đường dây tải điện trung thế, hạ thế và các trạm biến áp, xây dựng lưới điện nông thôn để đến năm 2015 có 100% thôn bản, 80%hộ dân trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia; điện thương phẩm tiêu thụ trên địa bàn từ 4,6 triệu Kw/h tăng lên 10 triệu Kw/h vào năm 2015. Đầu tư phát triển nguồn cung cấp nước sinh hoạt, xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch tại thị trấn Mèo Vạc với công suất 500m3/ngày đêm; tiếp tục đầu tư xây dựng các hồ chứa nước có qui mô phù hợp tại các xóm bản, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 80% trở lên; đảm bảo cung cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tối thiểu là 40 lít/người/ ngày trong mùa khô. Cùng đó phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt; khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có quy mô phù hợp. Tập trung tổ chức triển khai các dự án khai thác, chế biến khoáng sản như: Antimon Bôxít nhôm, chì, kẽm, vàng sa khoáng,...đặc biệt là kim loại thành phẩm ăngtimon nhôm tăng kim ngạch xuất khẩu; hoàn thành các nhà máy, cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản quặng Antimon tại xã Xín Cái, Sơn Vỹ, Khâu Vai; đổi mới công nghệ, dây truyền sản xuất luyện kim loại, sản lượng, công suất khai thác các nhà máy Ăntimon đến năm 2015 đạt trên 4.000 tấn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 70-100 tỷ đồng. Duy trì và phát triển mở rộng sản xuất chế biến các sản phẩm đã có thương hiệu trên địa bàn (Mật ong Bạc hà, Rượu ngô Ha ía); xây dựng các sản phẩm mới như chè xanh Tát Ngà, Thịt bò khô ăn liền, dong giềng, dầu hạt cải dầu... Tiếp tục đầu tư mới và mở rộng một số cơ sở sản xuất các loại vật liệu xây dựng có nguồn nguyên liệu dồi dào như: Đá, cát, sỏi, sản xuất gạch bê tông, gạch, ngói các loại, đá thủ công mỹ nghệ... Sản lượng khai thác, sản xuất đá, cát, sỏi đến năm 2015 đạt trên 50.000 m3, sản xuất gạch, ngói các loại trên 2 triệu viên, đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Tập trung đầu tư mới và mở rộng một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô thích hợp, công nghệ tiên tiến, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng gắn với hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, các khu di tích lịch sử văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Khuyến khích phát triển các ngành nghề chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cơ khí nhỏ, sản xuất các dụng cụ cầm tay, mộc gia dụng, khôi phục và phát triển các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như dệt thổ cẩm may mặc quần áo, rèn dao, đúc lưỡi cày, các công cụ lao động.
Để thực hiện được những vấn đề đó, huyện cũng đã tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có thế mạnh của huyện như công nghiệp thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích, kêu gọi và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm như chế biến thức ăn gia súc, chế biến thịt bò khô, mật ong Bạc hà Mèo Vạc, chế biến chè sạch, may mặc truyền thống, rèn đúc... Tạo điều kiện, môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý thuận tiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện việc liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng sản xuất lớn...
Ý kiến bạn đọc