Giúp người dân Tả Phìn xóa đói, giảm nghèo
HGĐT- Tả Phìn là một trong những xã nằm trong vùng Dự án DPPR của huyện Đồng Văn và cũng là một trong những xã trọng điểm về thiếu nước sinh hoạt cho người dân, thiếu nước chăn nuôi, sản xuất; thiếu đất canh tác của huyện.
Trong điều kiện khó khăn như vậy, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ nhân dân xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Trong đó, Dự án DPPR đã góp một phần không nhỏ giúp người dân nơi đây đẩy mạnh phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực đối với từng hộ tham gia dự án.
Qua hơn 3 năm thực hiện dự án đến nay (từ năm 2007), nhân dân 9/9 thôn, bản của xã đều nằm trong vùng dự án đã từng bước thực hiện và thu được những kết quả đáng mừng. Với mục tiêu của dự án là phân cấp, trao quyền cho xã làm chủ đầu tư để triển khai thựchiện chương trình của dự án trên địa bàn. Ngay sau khi được thành lập, Ban quản lý Dự án DPPR xã Tả Phìn đã đi vào hoạt động một cách nề nếp. Trong thời gian triển khai dự án, cán bộ xã, thôn bản đã được dự án đào tạo nâng cao năng lực về công tác quản lý hành chính, tài chính; công tác PRA và lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; công tác phân cấp, trao quyền; đào tạo sử dụng máy vi tính. Từ công tác đào tạo, bồi dưỡng trên, cán bộ xã, các tổ quản lý thôn đã biết cách quản lý, tự đánh giá hàng năm và lập được kế hoạch...
Trong việc thực hiện các hợp phần, tiểu hợp phần của dự án, được sự giúp đỡ của Ban quản lý Dự án DPPR huyện, Ban quản lý dự án xã đã triển khai mang lại hiệu quả cao. Với Hợp phần hỗ trợ sản xuất xã đã triển khai thực hiện đồng đều cả 4 tiểu hợp phần. Trong đó, Hợp phần phát triển hệ thống canh tác vùng cao đã thực hiện một số mô hình thử nghiệm và cung ứng các loại giống cây ăn quả như cây lê, đào và cây lâm nghiệp (như cây mỡ, cây sa mộc, cây thông...). Đã hỗ trợ được 1.908 cây lê đường cho 122 hộ; cung ứng được 33,5 tấn cỏ voi và Goatemala; triển khai mô hình ngô luân canh CP999, năng suất đạt từ 45 tạ/ha trở lên; đậu tương ĐT84, năng suất đạt trên 45 tạ/ha; triển khai mô hình rau với diện tích 0,5ha/5 hộ thực hiện; cấp 89 máy tẽ ngô cho 89 hộ nghèo, 65 máy thái rau lợn cho 65 hộ/3 thôn (Tả Phìn A, Dình Lủng và Sà Tủng Chứ), cấp 164 con dao thái cỏ bò cho 164 hộ/7 thôn. Quỹ hỗ trợ sản xuất cho 107 hộ nghèo vay ở 9 thôn vay mua phân bón với số tiền 114 triệu đồng, hiện nay đã thu hồi được 60 triệu và tiếp tục triển khai cho nhân dân các thôn vay vốn. Cũng trong tiểu hợp phần này, dự án đã tổ chức được 4 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây lê, đào tạo nông dân về sản xuất nông, lâm nghiệp và bảo vệ rừng. Qua các lớp tập huấn này, người dân được trang bị những kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất. Trong tiểu hợp phần Phát triển chăn nuôi thú y, dự án đã thực hiện mô hình cải tạo giống bò tại 3 thôn: Tả Phìn A, Tả Phìn B và Sà Tủng Chứ. Tại mô hình này đã thiến thải loại 37 con bò đực, số bò cái được phối giống thành công 61 con. Dự án hỗ trợ mỗi con bò được phối giống thành công là 100.000 đồng/con; hỗ trợ bò sinh sản quay vòng nhân rộng được 34 con/34 hộ nghèo không có bò để quay vòng, đến nay đã luân chuyển được 10 con cho 10 hộ nghèo khác nhận để nuôi. Anh Giàng Mí Phứ, nông dân thôn Sà Tủng Chứ, người được nhận luân chuyển nuôi bò mẹ từ hộ khác trong thôn, sau một thời gian chăm sóc, bò mẹ đã đẻ 1 bê con (trị giá khoảng 5 triệu đồng). Như vậy, gia đình anh không mất vốn, chỉ mất công chăm sóc cũng có bò nuôi. Hộ anh Giàng Mí Nô cũng ở thôn Sà Tủng Chứ, vay vốn chăn nuôi lợn từ dự án. Với đồng vốn của dự án, anh Nô đã mua lợn giống về chăm sóc, sau gần 1 năm cho thu nhập 17 triệu đồng. Với thu nhập trên, gia đình anh đã không bị thiếu đói nữa và đã trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội được 2,5 triệu đồng. Không những được vay vốn đầu tư chăn nuôi, gia đình anh Phứ, anh Nô và các hộ tham gia dự án còn được theo học các lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thức ăn cho gia súc. Trong tiểu hợp phần Dịch vụ tài chính nông thôn, Ban quản lý dự án xã đã thành lập được 9 nhóm với 174 thành viên tham gia tại 6 thôn gồm: Tả Phìn A, Tả Phìn B, Sà Tủng Chứ, Khúa Lủng, Dình Lủng và Khó Già. Từ dịch vụ này, thành viên trong các nhóm đã có nguồn tài chính để đầu tư kinh doanh, sản xuất. Đối với Hợp phần Phát triển cơ sở hạ tầng, dự án đã tổ chức thi công 5,45 km đường giao thông liên thôn cho 2 thôn Sùa Lủng – Khúa Lủng; 1 công trình điểm trường Khó Già; 1 công trình trụ sở thôn Dình Lủng và nhà làm việc BQL dự án xã. Các công trình trên đều đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả.
Có thể nói, Dự án DPPR tại xã Tả Phìn đã được thực hiện với sự nỗ lực rất lớn từ Ban quản lý dự án huyện, xã và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Hiệu quả của dự án mang lại cho gia đình anh Giàng Mí Phứ, Giàng Mí Nô và các hộ tham gia dự án sẽ tạo đà cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong toàn xã nhanh chóng và bền vững.
Ý kiến bạn đọc