Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
HGĐT - Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ xv (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra tám đột phá, trong đó đột phá về phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả cao. phát triển công nghiệp thủy điện, khai khoáng và chế biến là một trong 15 chương trình trọng tâm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm trên 34% cơ cấu nền kinh tế...
Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Hà Giang trong những năm qua đã có những bước phát triển quan trọng, thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp địa phương, hình thành một số ngành, nghề công nghiệp mới, từng bước khai thác và phát huy lợi thế, tài nguyên của tỉnh và bước đầu hình thành cơ sở thực tiễn và lý luận để khẳng định việc xây dựng và phát triển công nghiệp cho những năm tiếp theo. Hiện nay việc hình thành và đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bình Vàng là một bước đi cụ thể trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra. Việc hoàn thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Bình Vàng đã và đang tạo điều kiện phát huy tiềm năng, nguồn lực sẵn có của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, góp phần ổn định xã hội.
Như chúng ta đều biết: Tỉnh ta là tỉnh có diện tích đất rừng lớn, vùng nguyên liệu dồi dào phục vụ cho công nghiệp khai thác và chế biến lâm sản. Phát triển trồng rừng sản xuất, khai thác, chế biến lâm sản được tỉnh ta xác định là một trong những tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH và nâng cao đời sống của nhân dân. Từ thực tế đó, vừa qua dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên do Công ty Cổ phần Công nghiệp và xuất khẩu lâm nghiệp Hà Giang làm chủ đầu tư đã ra đời tại Khu công nghiệp Bình Vàng. Đây là một trong số những dự án đầu tiên đăng ký đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghiệp Bình Vàng. Thông qua các dự án tại Khu công nghiệp cho thấy, toàn tỉnh đang tích cực thực hiện mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra. Tìm hiểu về dự án này Ông Bùi Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghiệp và xuất khẩu lâm nghiệp Hà Giang cho biết: Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên có quy mô công suất 100.000 m3 sản phẩm/năm, trong đó dây truyền sản xuất ván MDF có công suất 80.000 m3/năm và dây truyền sản xuất ván ghép thanh có công suất 20.000 m3/năm, với tổng mức vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, dự kiến sau 12 tháng thi công, nhà máy sẽ có sản phẩm đầu tiên. Nhà máy gỗ MDF được thiết kế theo hướng sử dụng tối ưu nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Châuu và có quy mô lớn nhất miền Bắc hiện nay. Nhu cầu nguyên liệu mỗi năm trung bình khoảng 200.000 m3/năm, tương đương với 2000 ha rừng trồng được khai thác/năm. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ có 350 lao động trực tiếp làm việc tại các dây truyền, đồng thời thu hút khoảng 1.000 lao động gián tiếp trong việc trồng rừng, khai thác và vận chuyển cho nhà máy. Khi sản xuất ổn định, doanh thu trung bình đạt 500 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 50 tỷ đồng/năm. Đặc biệt hàng ngàn người dân địa phương sẽ có việc làm và thu nhập từ trực tiếp đến gián tiếp, sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, đem lại hiệu quả KT-XH lớn do nhà máy mang lại và đây cũng là mục tiêu chính của Công ty.
Theo các chuyên gia kinh tế thì tính đến thời điểm hiện nay, nhà máy chế biến gỗ Công nghiệp Vị Xuyên là một trong những công trình có quy mô và công suất lớn nhất, đồng thời phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Hy vọng sau khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ thúc đẩy việc phát triển vùng nguyên liệu, khai thác và phát huy tốt tiềm năng về đất, rừng, tạo thêm nhiều việc làm và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân vùng nguyên liệu và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Từ thực tế hiện nay và những kết quả đạt được trong giai đoạn qua, là tiền đề, cơ sở vững chắc cho Hà Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đề ra, góp phần cùng cả nước sớm đưa nước ta vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển và phấn đấu đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Để thực hiện tốt chiến lược đó, tỉnh ta đã và đang cụ thể hoá các mục tiêu cơ bản về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được Nghị quyết Đại hội XV đề ra với nhiệm vụ trọng tâm là sớm đưa Hà Giang thoát khỏi tỉnh nghèo. Với mục tiêu tập trung phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở tỉnh như: Xây dựng thủy điện vừa và nhỏ; khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; hình thành hệ thống sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả, tăng trưởng cao, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm trên 34% cơ cấu nền kinh tế.
Với phương châm: “Doanh nghiệp phát tài Hà Giang phát triển”, chúng ta có thể khẳng định, tương lai của ngành công nghiệp tỉnh ta đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng và chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh trong một tương lai gần.
Ý kiến bạn đọc