Chăn nuôi gia súc trở thành hàng hóa - hướng phát triển kinh tế bền vững ở Mèo Vạc
HGĐT- Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của một huyện vùng cao núi đá, trong những năm qua huyện Mèo Vạc đã tập trung chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong toàn huyện đẩy mạnh chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm trở thành hàng hóa, đưa chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc trở thành nguồn thu nhập chính của nhân dân, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và là động lực chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.
Chợ bò ở Mèo Vạc ngày càng phát triển mạnh, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. |
Thực tế đã cho thấy, năm 2006 Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã ra nghị quyết chuyên đề về phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2006 – 2010, qua 5 năm triển khai tổ chức thực hiện và tiếp tục thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đến nay đàn gia súc của huyện đã phát triển mạnh và trở thành hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Chí Thường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của BCH Đảng bộ huyện cộng với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thông qua các Chương trình dự án như chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình nông nhgiệp trọng tâm, Nghị quyết 30a của Chính phủ, dự án bò của Hội chữ thập đỏ T.Ư và một số các chương trình dự án khác đã hỗ trợ 920 con trâu, bò sinh sản cho các hộ nghèo, hỗ trợ lãi suất cho trên 3.000 hộ vay vốn để mua trâu, bò sinh sảnvà vay vốn phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, hỗ trợ kinh phí cho số trâu, bò đực giống đã được bình tuyển, hỗ trợ kinh phí trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, hỗ trợ các hộ nghèo chưa có chuồng trại làm chuồng trại gia súc, hỗ trợ các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, do vậy từ năm 2006 đến nay đàn trâu, bò của huyện không ngừng phát triển. Nếu như năm 2005 tổng đàn trâu, bò toàn huyện chỉ có 22.028 con, thì đến hết năm 2010 toàn huyện đã có 29.392 con, với 11.963 hộ tham gia chăn nuôi. Trong đó đàn trâu có 3.565 con, bò 25.827 con, tăng 7.364 con so với cùng kỳ năm 2005. Tốc độ tăng đàn bình quân 6,7%/năm, bình quân mỗi hộ có từ 2 đến 3 con trâu, bò, tăng 0,5 con so với năm 2005, 100% các hộ đều có điều kiện chăn nuôi đều có ít nhất 1 con trâu, bò trở lên, 1.100 hộ có từ 10 con trâu, bò và 30 con dê trở lên. Tính đến 5.4.2011, toàn huyện có tổng đàn trâu, bò là 29.337 con.
Song song với việc phát triển đàn gia súc, để cung cấp đầy đủ thức ăn cho chăn nuôi huyện đã giao chỉ tiêu trồng cỏ hàng năm cho các xã, thị trấn, nhằm đáp ứng được nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, đồng thời chỉ đạo cho các xã, thị trấn chuyển đổi các diện tích đất xấu, đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi, chuyển đổi 101 ha chuyên canh trồng cỏ tại xã Pả Vi, đặc biệt năm 2010 huyện đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn đưa giống cỏ VA06 vào trồng đại trà, nhằm thay thế dần diện tích cỏ Voi, Goatemala đã già cỗi, đây là giống cỏ có năng suất, chất lượng, góp phần bổ sung thêm thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình ủng hộ của người dân, cùng với sự đầu tư của nhà nước, từ năm 2006 đến nay diện tích cỏ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã tăng đáng kể, cơ bản đáp ứng được nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc, từ đó số hộ có từ 5 con trâu, bò trở lên ngày một tăng, hạn chế được việc chăn nuôi trâu, bò chăn thả rông. Nếu như năm 2006 toàn huyện có 1.129,14 ha cỏ thì đến năm 2010 đã có 4.300 ha cỏ chăn nuôi. Như vậy việc chăn nuôi trâu bò hàng hóa gắn với trồng cỏ ở Mèo Vạc phát triển nhanh và mạnh, từng bước đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Ngoài việc phát triển đàn gia súc, gắn với trồng cỏ, huyện còn quan tâm đến việc nâng cấp và mở rộng quy mô chợ bò, đây chính là nơi trung tâm mua bán gia súc cho các tư thương và các hộ gia đình, từ đó đã giúp cho các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn toàn huyện yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phát huy được tiềm năng thế mạnh và là nguồn thu nhập chính của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi năm huyện xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 4.000 đến 5.000 con trâu, bò và từ 3.000 đến 4.000 con dê, trị giá ước khoảng trên 30 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Có thể nói việc phát triển đàn trâu, bò trong 5 năm qua của huyện Mèo Vạc rất rõ nét, nhưng mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, nguyên nhân là do nhận thức của một số hộ chưa đúng, chưa đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, ngựa trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng, nên chưa chú trọng đến việc đầu tư nguồn nhân lực, vật lực để phát triển chăn nuôi đàn gia súc theo hướng hàng hóa, dẫn đến tốc độ tăng đàn gia súc còn chậm, quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng đàn như thụ tinh nhân tạo, ghép đôi giao phối, bình tuyển trâu, bò đực, cái, giống, thiến bò đực cóc tuy đã được triển khai nhưng chưa quyết liệt, diện tích cỏ hàng năm tăng nhanh, nhưng việc chăm sóc và thu hoạch còn chưa đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp...
Để tiếp tục phát triển nhanh, mạnh đàn gia súc trở thành hàng hóa gắn với trồng cỏ chăn nuôi trong những năm tới, phấn đấu đến 2015 tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt 38.771 con, trong đó trâu 4.321 con, bò 34.450 con, phấn đấu bình quân mỗi hộ có 3 con trâu, bò trở lên, bình quân mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 4.500 con đến 5.000 con trâu, bò và 4000 đến 5000 con dê trở lên huyện cũng đã có nghị quyết chuyên đề, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa dưới các hình thức như trang trại, tổ hợp tác xã, xây dựng trung tâm giống gia súc, gia cầm của huyện, đưa thu nhập từ chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn của các hộ gia đình, chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trên cơ sở những mục tiêu đó, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện, trước hết hàng năm khảo sát và bình tuyển bổ sung đàn trâu, bò, ngựa giống, tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao KHKT chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản cho các hộ gia đình, khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện phát triển đàn trâu, bò, ngựa với quy mô vừa và nhỏ theo mô hộ gia đình, đối với những nơi có điều kiện hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã...đồng thời tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chọn lọc, bảo tồn giống trâu, bò, ngựa của đồng bào Mông vùng cao, từng bước mở rộng quy mô đàn trâu, bò, ngựa theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án đang triển khai trên địa bàn huyện, ưu tiên đầu tư hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa, các hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản, mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là diện tích cỏ VA06, cỏ STYLO – CIAT – 184 để bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc...
Ý kiến bạn đọc