Sự cần thiết thực hiện Đề án “Phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung”

17:31, 21/03/2011

Trên địa bàn tỉnh ta, cây đậu tương là cây trồng có phạm vi thích ứng tương đối rộng, sản phẩm dễ tiêu thụ, thị trường thu mua ổn định. Người dân sản xuất cây đậu tương từ bao đời nay và nó đã trở thành một trong những cây trồng chính trong cơ cấu cây trồng của tỉnh.


Tuy nhiên, thực trạng sản xuất đậu tương còn một số khó khăn, tồn tại, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Với quyết tâm đưa cây đậu tương trở thành cây trồng hàng hoá, đem lại hiêu quả kinh tế cao cho người dân, tỉnh ta đã xây dựng "Đề án phát triển cây đậu tương hàng hoá, tập trung".

 

Có thể khẳng định, cây đậu tương có nhiều điểm thuận lợi để phát triển trên địa bàn tỉnh ta. Đây là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở nhiều vùng trong tỉnh. Việc đầu tư, chăm sóc phù hợp với trình độ dân trí, điều kiện kinh tế của người dân. Sản phẩm làm ra có nhiều công dụng: Cung cấp thực phẩm cho con người; làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; làm thức ăn cho gia súc; có chức năng cải tạo đất tốt; sản phẩm dễ tiêu thụ, thị trường tiêu thụ lớn, ổn định. Từ những đặc điểm trên, cây đậu tương được người dân trong tỉnh đưa vào trồng từ nhiều năm nay. Đặc biệt, từ năm 1995 đến nay, tỉnh đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển diện tích đậu tương cũng như ứng dụng các loại giống mới vào gieo trồng. Do đó, diện tích, năng suất đậu tương tăng dần theo từng năm và trở thành một trong những loại cây trồng chính trong cơ cấu cây trồng của tỉnh. Đến nay, diện tích đậu tương toàn tỉnh đạt trên 20.800 ha, tập trung chính ở 7 huyện sản xuất đậu tương truyền thống là: Hoàng Su Phì; Xín Mần; Yên Minh; Đồng Văn; Quản Bạ; Bắc Mê; Mèo Vạc. Năng suất bình quân năm 2010 đạt 11 tạ/ha, sản lượng đạt gần 23.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cây đậu tương trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế chưa cao so với tiềm năng thực tế. Người dân chưa thực hiện mạnh các biện pháp thâm canh theo quy trình nên chưa phát huy được hết tiềm năng năng suất của cây đậu tương. Công tác giống chưa được chú trọng, số hộ sử dụng giống địa phương đã bị thoái hoá còn chiếm tỷ lệ lớn. Việc quản lý, cung cấp giống còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng giống bị pha tạp, do đó chất lượng thương phẩm kém, năng suất bình quân thấp. Công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung chưa thực hiện tốt. Việc thực hiện các mô hình giống mới, năng suất cao, phù hợp với điều kiện điạ phương, nhưng khi nhân rộng còn gặp khó khăn. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn lớn trong khi nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách còn khó khăn do đó chưa kích thích phát triển mạnh cây đậu tương hàng hoá. Công tác chế biến sản phẩm từ đậu tương chưa được chú trọng, hầu hết chỉ chế biến đậu phụ và bán dạng nguyên liệu nên giá trị sản phẩm không cao...


Từ thực tế tình hình sản xuất cây đậu tương trong những năm qua cũng như để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra là phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 25.000 ha đậu tương, sản lượng đạt 40.000 tấn. Tỉnh đã xây dựng đề án: Phát triển cây đậu tương hàng hoá tập trung, giai đoạn 2011- 2015. Theo đề án, việc phát triển sản xuất đậu tương hàng hoá tập trung thực hiện ở 7 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Bắc Mê. Diện tích trồng cây đậu tương tại 7 huyện đến năm 2015 là 23.687 ha, tăng 3.680 ha so với năm 2010, cộng với diện tích đậu tương hiện có của 4 huyện, thành phố thì diện tích đậu tương toàn tỉnh sẽ đạt 25.000 ha. Đưa năng suất đậu tương của 7 huyện vùng thực hiện đề án từ 11,1 tạ/ha năm 2010 lên 16,1 tạ/ha năm 2015, nâng tổng sản lượng lên 38.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2010. Để đạt được mục tiêu phát triển diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng, Đề án xây dựng các giải pháp chi tiết về đất đai, giống, vốn, kỹ thuật... Nhằm mở rộng diện tích đậu tương ở 7 huyện, chính quyền các cấp cần vận động người dân chuyển đổi đất nương trồng các loại cây mầu có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng đậu tương, mặt khác đẩy mạnh việc nâng cao hệ số sử dụng đất trên một đơn vị canh tác bằng cây đậu tương. Theo đề án, việc sản xuất đậu tương cần được thực hiện theo 2 công thức: Đối với đất ruộng “Đậu tương xuân- lúa mùa- cây màu vụ đông”, lịch thời vụ cụ thể đó là “Đậu tương gieo từ 5.2 đến 10.3 đối với vùng cao và kết thúc trước 25.2 đối với vùng thấp. Thời gian sinh trưởng, phát triển và kết thúc thời vụ của cây đậu tương là khoảng 100 ngày, do đó sẽ hoàn thành thu hoạch đậu tương vào khoảng 20.6; bảo đảm kịp thời gian cho các địa phương gieo trồng lúa vụ mùa xong trước 10.7 và đảm bảo thời gian trồng cây vụ đông”; đối diện tích đậu tương trồng trên đất nương thực hiện theo công thức “Ngô xuân hè - đậu tương hè thu”, trong đó ngô xuân gieo từ 15.1 đến 5.2 và thu hoạch từ ngày 10 đến 20.6, đậu tương hè thu gieo trồng xong trước 25.7. Các địa phương thực hiện theo 2 công thức trên sẽ đạt được các chỉ tiêu về mở rộng diện tích cũng như tăng hệ số sử dụng trên đơn vị canh tác. Nhằm đáp ứng nhu cầu về giống đảm bảo chất lượng, ổn định, phù hợp với điều kiện ở các địa phương, trước mắt vẫn tập trung vào sử dụng giống đậu tương DT84. Tuy nhiên, ngay trong năm 2011, Sở NN- PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm triển khai các dự án khảo nghiệm giống đậu tương mới để lựa chọn bộ giống phù hợp với từng vùng, từng tiểu vùng khí hậu, từ đó đưa ra các khuyến cáo kỹ thuật thực hiện cho những năm tiếp theo. Khi có bộ giống phù hợp với từng địa phương, mỗi huyện phải lựa chọn vùng sản xuất giống cấp I, cấp II từ giống nguyên chủng nhập từ các Viện Nghiên cứu, Trung tâm Đậu đỗ để cung ứng giống cho người dân; giao cho 2 Trung tâm giống cây trồng của tỉnh trực tiếp thực hiện, gắn với thu mua và cung ứng giống cho các huyện. Phấn đấu đến năm 2015, 100% diện tích đậu tương ở 7 huyện được sử dụng bộ giống mới phù hợp. Nhằm phát triển về diện tích cũng như nâng cao được năng suất, sản lượng, Đề án cũng đã xây dựng giải pháp về nguồn vốn hỗ trợ cho người dân vay thâm canh và các đơn vị trực tiếp sản xuất giống, tổng số tiền dự kiến thực hiện là trên 219 tỷ đồng. Nhằm đảm bảo tính khả thi của đề án cũng như gắn kết trách nhiệm của người dân, giảm tính trông chờ ỷ lại nên số kinh phí được triển khai theo hình thức vay vốn hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ của cây đậu tương. Cụ thể với nguồn kinh phí 3,6 tỷ đồng cho 2 Trung tâm vay để sản xuất giống tại chỗ thực hiện cho vay bằng nguồn Ngân sách tỉnh không có lãi suất trong thời gian 1 năm, sau đó phải thu hồi vốn thông qua bán sản phẩm để tiếp tục triển khai sản xuất các năm sau. Nguồn kinh phí cho người dân vay thâm canh từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH là trên 124 tỷ đồng, từ Ngân hàng NN- PTNT là trên 83 tỷ đồng. Các huyện bố trí nguồn kinh phí từ vốn chương trình nông nghiệp trọng tâm để hỗ trợ lãi suất cho bà con. Đề án cũng đã đề cập đến vai trò tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật của đội ngũ khuyến nông các cấp; giải pháp về bảo quản, tiêu thụ sản phẩm...


Có thể khẳng định, việc thực hiện đề án phát triển cây đậu tương hàng hoá, tập trung trong thời điểm hiện tại là cần thiết bởi nó được xây dựng trên cơ sở thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Do đó, các cấp, các ngành chức năng cần quán triệt và cụ thể hoá bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực sự đạt được kết quả, mục tiêu theo đề án.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mong muốn các doanh nhân đóng góp tích cực cho xã hội
HGĐT- Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.067 doanh nghiệp, doanh thu năm 2010 đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 290 tỷ đồng. Sự đóng góp của doanh nghiệp rất có ý nghĩa đối với nền KT-XH, đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp rất quan trọng nhưng nếu mỗi doanh nhân truyền đạt được kinh nghiệm, cách làm để mọi người học tập thì hiêu quả sẽ tích cực hơn.
28/02/2011
Quyết tâm phát triển cây cao su ở Hà Giang
HGĐT- Đó là khẳng định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CNCSVN) và tỉnh ta trong cuộc họp giữa 2 bên được tổ chức tại Hà Giang đầu tháng 3.2011. Mặc dù đợt rét đậm, rét hại lịch sử vừa qua đã làm ảnh hưởng và thiệt hại một số diện tích cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, trong đó có tỉnh ta, song theo đánh giá của Tập đoàn CNCSVN, những thiệt
21/03/2011
Ngân hàng CSXH tỉnh Đại hội CNVC
HGĐT- Sáng 19.3, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức Đại hội công nhân viên chức (CNVC) năm 2011.
21/03/2011
Nhà máy Thủy điện Sông Chừng sẽ phát điện vào dịp 30.4
HGĐT- 11 giờ 20 phút ngày 16.3, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Sơn Lâm chính thức phát lệnh chạy thử tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sông Chừng (Quang Bình).
18/03/2011