Hiệu quả của mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Đạo Đức
HGĐT- Được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời trực tiếp được cán bộ khuyến nông của tỉnh và huyện hướng dẫn kỹ thuật để sản xuất rau sạch có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao là những lợi ích mà 30 hộ nông dân xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên đã thụ thưởng, thông qua mô hình thí điểm sản xuất rau vụ Đông theo hướng an toàn do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản - Sở NN&PTNT triển khai.
Bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2010, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thuỷ sản đã phối hợp với xã Đạo Đức chọn 30 hộ nông dân thuộc 2 thôn là Làng Cúng và Bản Bang tham gia mô hình. Đây đều là những hộ gia đình nghèo, có đất canh tác thuận lợi nguồn nước sẵn có, lại có kinh nghiệm trong sản xuất rau nhưng thiếu vốn và kỹ thuật trong canh tác. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản đã tiến hành tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho các hộ nông dân. Trong đó, tập trung vào phổ biến các quy định của nhà nước về sản xuất, sơ chế, chế biến, cũng như các kỹ thuật làm đất, gieo trồng và chăm sóc rau theo quy trình an toàn. Với diện tích 2 ha, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thuỷ sản đã hướng dẫn người nông dân tiến hành gieo trồng các loại rau phù hợp với thổ nhưỡng tại đây, dễ trồng và chăm sóc lại cho năng suất cao như: Bắp cải, su hào và súp lơ và một số rau khác. Trong quá trình tiến hành mô hình, Chi cục đã thường xuyên xuống đồng cùng với người dân đánh giá tình hình tăng trưởng của cây rau. Từ đó có những biện pháp hướng dẫn, xử lý kịp thời để cây rau sinh trưởng và phát triển tốt. Sau một thời gian tiến hành trồng và theo dõi, hiệnnay phần lớn diện tích rau của mô hình đều sinh trưởng rất tốt, tỷ lệ cây rau sống đạt 90 đến 95%. Đặc biệt với giống rau su hào bước đầu cho thu hoạch với trọng lượng trung bình từ 0,3 đến 0,4 kg/củ. Ước tính tổng diện tích 2ha cho thu hoạch được trên 20 tấn rau các loại, nhân với giá thị trường hiện nay 6.000 đồng/1kg cho người nông dân tổng thu nhập trên 120 triệu đồng. Với mức trung bình 4 triệu đồng/1hộ tham gia mô hình.
Như vậy, triển khai mô hình sản xuất rau an toàn không những phát huy hết tiềm năng về đất đai, tận dụng nhân công và vật tư nông nghiệp sẵn có của người nông dân, đồng thời còn từng bước làm thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp truyền thống theo lối tự cung tự cấp sang sản xuất nông nghiệp thâm canh tăng vụ, góp phần tăng hiệu quả chất lượng sản phẩm cho người nông dân. Từ đó có thể nhận thấy tiềm năng sản xuất rau hàng hoá của người nông dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn nếu được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật và khuyến khích kịp thời. Do vậy việc tổng kết và nhân rộng mô hình là điều nên được các cấp và các ngành đánh giá và triển khai tại các xã, các huyện trong toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc